Đây là mô hình có triển vọng nhân rộng bởi tính hiệu quả, an toàn và bền vững cho phát triển kinh tế và xã hội của địa phương vùng ven biển.

Ngọc Hiển, một huyện ven biển của tỉnh Cà Mau, là nơi nuôi trồng thủy sản lâu đời nhất của tỉnh, với nhiều loại hình nuôi gắn với trồng rừng. Trước đây, người dân chủ yếu nuôi độc canh tôm sú, ít có những mô hình kết hợp nuôi giữa các đối tượng như tôm, cua và cá,…

Nhằm hoàn thiện tài liệu kỹ thuật sản xuất, đồng thời đánh giá hiệu quả kinh tế và tính bền vững của mô hình nuôi kết hợp các loại thủy sản để nhân rộng cho người dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ngọc Hiển đã thực hiện dự án “Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến kết hợp cua và cá nâu hai giai đoạn dưới tán rừng tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau”.

Cá nâu có thân hình dẹp, mình nhiều đốm đen, sống ở môi trường nước mặn, nước lợ và sinh sống nhiều trên các tuyến kênh rạch của vùng rừng ngập mặn, các cửa sông, các đảo ven biển và các ao đầm nuôi tôm. Cùng với tôm, cua, cá nâu là một trong những đặc sản có giá trị kinh tế cao và là đối tượng nuôi chủ yếu của vùng đất ngập mặn ven biển ở Cà Mau. Cá nâu nuôi chung trong các ao đầm nuôi tôm thường không gây hại cho tôm nuôi, góp phần cải tạo môi trường nước.

Mô hình nuôi thủy sản kết hợp tại Ngọc Hiển, Cà Mau.   Ảnh: NNC
Mô hình nuôi thủy sản kết hợp tại Ngọc Hiển, Cà Mau. Ảnh: NNC

Ở giai đoạn 1, Dự án thực hiện việc ương nuôi tôm, cua, cá nâu giống. Sau đó thả ra ngoài ao nuôi kết hợp cả 3 đối tượng. Sự tăng trưởng của tôm, cua và cá nâu nuôi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường nước của ao nuôi, chất lượng giống, nguồn thức ăn từ tự nhiên, thời tiết,… Trong đó, môi trường nước của ao nuôi là yếu tố quyết định lớn đến sự tăng trưởng và phát triển của tôm, cua và cá nâu. Các hộ tham gia dự án tuân thủ và thực hiện đúng từng bước trong quy trình kỹ thuật nuôi được hướng dẫn.

Kết quả, tôm thu hoạch sau khi nuôi được 5 tháng cho năng suất thấp nhất 282 kg/ha và cao nhất 480 kg/ha, bình quân đạt 350,3 kg/ha. Năng suất này cao hơn so với các hộ dân không thực hiện dự án (năng suất khoảng 190 - 250 kg/ha). Đối với cua, sau thời gian nuôi từ 6 tháng, khi cua đạt kích cỡ 4 con/ kg thì tiến hành thu hoạch. Năng suất thấp nhất đạt 110 kg/ha và cao nhất 235 kg/ha, bình quân 182,08kg/ha. Trong khi đó, các hộ không nằm trong dự án năng suất chỉ đạt khoảng 100 - 150 kg/ha.

Cá nâu sau thời gian nuôi hơn 8 tháng, tiến hành thu tỉa những cá thể lớn vượt dàn đạt tiêu chuẩn < 5 con/kg. Kết quả, năng suất cao nhất đạt 394kg/ha và thấp nhất 190 kg/ha, bình quân 301kg/ha, kích cỡ cá khi thu hoạch trung bình là 308gr/con. Trong khi đó, các hộ nuôi không nằm trong dự án đạt trung bình khoảng hơn 200kg/ha.

Thu hoạch cá nâu.   Ảnh: NNC
Thu hoạch cá nâu. Ảnh: NNC

Quy trình kỹ thuật nuôi tôm – cua và cá nâu 2 giai đoạn thích ứng tốt với sự thay đổi của thời tiết, khí hậu (chuyển đổi giao mùa, mưa trái mùa,...), cho tỉ lệ sống và năng suất đều cao hơn so với các hộ sản xuất truyền thống khác,... Ngoài ra, nuôi theo hình thức này, cá nâu ăn sạch lượng thức ăn thừa của tôm, cua, rong rêu trong ao đầm. Vì vậy, ít xảy ra dịch bệnh gây hại, tôm, cá lớn nhanh, đem lại cho nông dân nhiều nguồn lợi trên một diện tích, cùng thời gian.

Dự án đã được Sở KH&CN Cà Mau nghiệm thu, kết quả đạt.