Nuôi sò huyện kết hợp với tôm sú được triển khai tại huyện Ngọc Hiển, cho thấy dễ thực hiện và mang lại lợi nhuận cao hơn một số mô hình nuôi khác.

Tại Cà Mau, cua là một trong hai loại thủy sản chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế bền vững của tỉnh, bên cạnh tôm. Tận dụng diện tích mặt nước, những năm gần đây, nhiều hộ dân kết hợp nuôi thêm một số loài thủy sản có giá trị, trong đó có sò huyết.

Các mô hình nuôi sò huyết chủ yếu là nuôi trên bãi triều và nuôi kết hợp trong ao nuôi tôm. Qua thực tiễn sản xuất của người dân, nghề nuôi sò huyết kết hợp trong những vuông nuôi tôm cho kết quả khá tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình sản lượng sò nuôi giảm đáng kể do một số nguyên nhân như nguồn giống kém chất lượng, thả với diện tích lớn, rong đáy phát triển, nền đáy bị ô nhiễm khó xử lý, ảnh hưởng đến sò huyết. Trong khi đó, người dân chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm, chưa áp dụng quy trình kỹ thuật vào trong quá trình nuôi như chăm sóc, xử lý nước, thức ăn,…

Để giúp nghề nuôi sò huyết của người dân Cà Mau đạt hiệu quả cao hơn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc HIển đã triển khai mô hình nuôi sò huyết, kết hợp tôm sú trong vuông rừng – tôm tại xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển.

Xã Tam Giang Tây nằm ở phía đông nam của huyện Ngọc Hiển, đời sống của người dân chủ yếu khai thác, đánh bắt biển và nuôi trồng thủy sản. Do Tam Giang Tây gần các sông lớn và cửa biển, cung cấp nguồn nước chính cho nuôi tôm của huyện, trong nước mang theo lượng phù sa, nên đây là điều kiện phù hợp để phát triển nuôi sò huyết. Ngoài ra, mỗi hộ nuôi đều có cống cấp, thoát nước để dễ dàng, thuận lợi trong việc nuôi sò huyết kết hợp với tôm sú.

v
Nuôi sò huyết kết hợp tôm sú tại huyện Ngọc Hiển. Ảnh: NNC

Dự án được triển khai tại 60 hộ trên tổng diện tích 266 ha. Khu vực nuôi sò huyết, tổng cộng 12 ha,được rào bằng lưới đảm bảo không để cua, còng,... vào khu vực nuôi, nước lấy vào được diệt cá tạp. Nước nuôi kết hợp được xử lý sao cho độ pH từ 7,5 - 8,5, độ mặn 15 - 25 ‰, nhiệt độ từ 28 – 30 độ C. Sau đó, thả nuôi sò huyết giống (15 - 20 ngày tuổi, kích cỡ 900 con/kg, mật độ thả 30 con/m2) và tôm sú giống (22 - 25 ngày tuổi, mật độ thả 2 con/m2).

Các hộ nông dân được khuyến cáo, sò huyết là đối tượng rất nhạy cảm với thuốc, hóa chất, do vậy trong quá trình nuôi không sử dụng hóa chất cấm. Tuy nhiên, vào những ngày mưa lớn kéo dài, có thể bón vôi CaCO3 liều lượng 10 - 15 kg/1.000 m3 để ổn định pH. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường ngoài sông (như độ mặn, pH, ...) trước khi cấp và thay nước để ổn định chất lượng nước vuông nuôi. Các hộ nuôi cũng được hướng dẫn thường xuyên kiểm tra vuông nuôi để kịp thời phát hiện những bất thường xảy ra đối với sò huyết và tôm.

t
Thu hoạch sò huyết. Ảnh: NNC

Sau thời gian nuôi 10 tháng, sò huyết đạt kích cỡ 82 - 84 con/kg, có thể thu hoạch. Tôm sú nuôi từ tháng thứ 5 trở đi (đạt kích cỡ 20 – 25 con/kg) ở vụ nuôi thứ nhất thì tiến hành thu hoạch. Đối với vụ nuôi thứ 2 khi tôm đạt kích cỡ cùng thời điểm với thu hoạch sò huyết tiến hành thu hoạch.

Kết quả thu hoạch của mô hình sau 10 tháng nuôi, tổng sản lượng sò huyết đạt 21,7 tấn, kích cỡ 82 – 84 con/kg, năng suất 1.809 kg/ha/vụ. Tổng sản lượng tôm 38,2 tấn, kích cỡ 20 - 25 con/kg, năng suất 143,5 kg/ha/vụ. Với mô hình nuôi tôm kết hợp sò huyết so với những mô hình nuôi khác (chuyên canh sò huyết, tôm cua,…), lợi nhuận tăng từ 15 – 25%.

Qua quá trình thực hiện mô hình cho thấy, sò huyết là đối tượng ăn không chọn lọc, góp phần làm giảm các thành phần độc hại trên nền đáy vuông nuôi. Vì vậy, nuôi kết hợp sò huyết và tôm sú không chỉ tận dụng diện tích nhiều đối tượng, còn làm môi trường nước được cải thiện, giúp tôm sú nuôi hiệu quả hơn. Ngoài ra, quy trình kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện sản xuất, khả năng tiếp nhận kỹ thuật và vốn đầu tư của đa số người dân, nên có thể nhân rộng mô hình nuôi này.