Theo một số người cao tuổi trong thôn La Tinh kể lại, bưởi này được nhân giống từ một cây bưởi của cụ Bá Diệu vào khoảng những năm 1930 và trở thành cây đặc sản của địa phương.

f
Vị ngọt đậm, hàm lượng đường và độ Brix cao của bưởi La Tinh Hoài Đức có được là nhờ các tính chất đặc thù về điều kiện địa lý của khu vực. Ảnh: Cục Sở hữu trí tuệ

Tháng trước, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1265/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00132 cho bưởi đường La Tinh Hoài Đức. Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Đức là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Khu vực địa lý thuộc xã Đông La, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội (được xác định theo bản đồ khu vực địa lý tương ứng).

Theo thông tin từ Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ), bưởi đường La Tinh Hoài Đức là giống bưởi địa phương được trồng lâu đời tại thôn La Tinh (xã Đông La, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) - nơi có sông Đáy chảy qua, đất đai màu mỡ, dễ canh tác và tiêu thoát nước khi mưa úng, rất phù hợp cho nhiều loại cây trồng.

Một số người cao tuổi trong thôn La Tinh kể lại, giống bưởi này được nhân giống từ một cây bưởi của cụ Bá Diệu vào khoảng những năm 1930, kể từ đó gắn bó với người dân nơi đây và trở thành cây đặc sản của địa phương.

Bưởi La Tinh Hoài Đức có vị ngọt đậm (độ Brix ≥ 11,40%) và hàm lượng đường cao (tổng số ≥ 9,90%) là nhờ các tính chất đặc thù về điều kiện địa lý của khu vực địa lý. Khu vực địa lý có địa hình thuộc các chân đất vàn cao và cao, có độ cao trung bình từ 7 – 15 m so với mực nước biển, hướng dốc từ đê ra sông. Thổ nhưỡng tại khu vực địa lý là đất phù sa trung tính, thành phần cơ giới thịt pha sét và cát đến thịt pha sét. Đất có hàm lượng các bon hữu cơ trung bình đến cao, trung bình 1,63%; kali dễ tiêu giàu, trung bình 39,88 mg K2O/100g đất; hàm lượng nguyên tố vi lượng Zn giàu, trung bình 109,07 mg/kg.

Cây bưởi đường La Tinh Hoài Đức có đặc điểm sinh trưởng khỏe, tán cây phát triển hình dù, trung bình một năm có ba đợt lộc chính. Cây ra hoa vào đầu tháng Hai đến đầu tháng Ba. Hoa bưởi đường La Tinh Hoài Đức ra thành chùm nhỏ, 5 - 7 hoa/chùm và nằm rải rác khá đều trong tán chính, vì vậy mà quả phân bố khá đều. Lá bưởi đường La Tinh Hoài Đức cũng rất khác so với lá bưởi Diễn, lá điển hình có dạng hình sống trâu (mặt lá phồng lên), nhỏ và đều, màu xanh sáng, bộ lá khá dày.

Năng suất trung bình từ 250 - 300 quả/cây/năm. Nếu trồng và chăm sóc tốt, từ năm thứ 7 trở đi, bưởi đường La Tinh Hoài Đức đã cho thu nhập từ 300 - 400 triệu/ha/năm. Đặc biệt, quả bưởi đường La Tinh Hoài Đức có độ đồng đều quả cao, lại chín sớm hơn bưởi Diễn khoảng 1 tháng, giúp rải vụ rất tốt cho cơ cấu bưởi trên địa bàn huyện.

Cây có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, ít bị chảy gôm, bệnh loét quả và chịu úng khá. Thời gian cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến tháng 11 dương lịch nhưng có thể để lâu ra ngoài tết đến tháng 3, 4 âm lịch mà chất lượng quả vẫn tốt.

Các bí quyết của người dân trong khu vực địa lý trong việc chăm sóc và gìn giữ giống bưởi quý này cũng là những yếu tố góp phần tạo nên đặc trưng của sản phẩm bưởi La Tinh Hoài Đức.

Người dân tại khu vực địa lý sử dụng phân bón hữu cơ, cụ thể là vào thời kỳ cây chưa mang quả, sử dụng phân gà ủ, cá ủ, đậu tương ủ để bón cho cây với lượng 1 - 1,5 kg/gốc/vụ một lần duy nhất vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 2. Vào thời kỳ cây mang quả, bón phân hữu cơ ủ từ 15 - 20 kg/gốc/vụ kết hợp bón thêm phân gà ủ, cá ủ, đậu tương ủ (2 - 3 kg/gốc/vụ) duy nhất một lần vào thời điểm sau khi thu hoạch (tháng 1).

Theo ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, việc đô thị hóa đã làm diện tích trồng bưởi đường La Tinh Hoài Đức có xu hướng giảm. UBND huyện Hoài Đức đã có những chủ trương giúp bảo tồn và nâng cao thương hiệu cho giống bưởi này, như tạo các vùng trồng bưởi tập trung, phát triển theo hướng liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Để phát triển bền vững huyện Hoài Đức cũng quy hoạch vùng trồng bưởi ổn định, định hướng kết hợp với du lịch nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế.