Nhóm tác giả Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ TPHCM đã xây dựng được quy trình sản xuất giống và ương nuôi các kiểu hình cá cảnh tam giác, góp phần chủ động nguồn giống trong nước, phục vụ phát triển ngành cá cảnh tại TPHCM.

Cá cảnh là một trong những lĩnh vực chủ lực của nông nghiệp TPHCM. Bên cạnh những dòng cá xuất khẩu, hiện nay nhu cầu cá cảnh ngoại nhập tại thị trường TPHCM cũng ngày một tăng. Các dòng cá mới lạ, độc đáo từ Thái Lan, Indonesia, Singapore… đang được ưa chuộng. Một trong những đối tượng phù hợp nuôi trong bể thủy sinh là cá tam giác, nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia.

Cá tam giác khi nuôi trong điều kiện nhân tạo có tốc độ sinh trưởng và phát triển chậm, có thể do môi trường, dinh dưỡng chưa phù hợp. Do đó, nhóm KS. Nguyễn Hồng Yến và cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã thực hiện đề tài “Ứng dụng sản xuất giống các kiểu hình cá tam giác”.

Các kiểu hình cá tam giác.   Ảnh: NNC
Các kiểu hình cá tam giác. Ảnh: NNC

Theo nhóm tác giả, cá tam giác thuộc họ cá chép Ciprinidae, tập tính hiền lành, kích thước tối đa 4cm. Đây là loài cá ăn tạp, thiên về động vật, có thể ăn hầu hết các loại thức ăn dành cho cá cảnh như trùn chỉ, viên công nghiệp, rong tảo,…

Kết quả khảo sát tại 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá cảnh tại TPHCM cho thấy, cá tam giác có kiểu hình được ưa chuộng nhất hiện nay là cá tam giác vàng (76,92%) và xanh (61,54%), tam giác tím và tam giác đỏ ít được ưa chuộng hơn, tam giác nhỏ hầu như không có trên thị trường cá cảnh. Nguồn gốc nhập khẩu cá tam giác chủ yếu là từ Indonesia (85,71%), kích thước nhập khẩu chủ yếu từ 1 - 2 cm, được nhập khẩu theo từng đợt với số lượng từ 200 - 5.000 con.

Để thực hiện nghiên cứu, cá tam giác bố mẹ được nhóm thu mua từ các cơ sở cá cảnh. Cá bố mẹ khoảng 6 tháng tuổi, kích thước 2cm, khỏe mạnh, màu sắc sặc sỡ, bơi lội linh hoạt. Nhóm thực hiện các công đoạn như nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ, kích thích sinh sản, ương nuôi từ cá bột đến cá giống.

Quá trình nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ, thức ăn chủ yếu là trùn chỉ, sinh khối Artemia, viên bổ sung. Môi trường nước nuôi vỗ theo điều kiện tự nhiên của cá, với nhiệt độ 27– 30oC, pH 5 – 6,5, DO từ 4,5 – 5,5mg/L. Sau khi nuôi vỗ với thời gian 3 tháng, chọn những con bố mẹ khỏe mạnh, không bị dị tật để kích thích sinh sản.

Cs
Cá tam giác sau 3 tháng nuôi vỗ. Ảnh; NNC

Ở giai đoạn sinh sản, điều kiện pH 5,5, tỷ lệ 2 đực : 1 cái, trong bể có mực nước dao động từ 25 – 35cm, đặt giá thể là cây thủy sinh lá to, để cá làm nơi trú ngụ sinh sản. Tỷ lệ sinh sản ở các kiểu hình cá tam giác dao động từ 80 – 81, tỷ lệ thụ tinh từ 69 – 70%, nở từ 85- 87%, sống từ 83- 87%.

Ở giai đoạn ương nuôi, với các thức ăn như luân trùng, cám mịn, luân trùng kết hợp cám mịn, trùn chỉ, sinh khối Artemia, thức ăn viên công nghiệp. Sau 45 ngày nuôi, cá có trọng lượng từ 0,13 – 0,15g/con, chiều dài từ 14 – 20mm, tỷ lệ sống trên 85%. Cá khỏe mạnh, màu sắc rõ ràng.

Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt. Hiện nhóm tác giả đã làm chủ được quy trình sản xuất giống và ương nuôi đối với mỗi kiểu hình cá tam giác vàng, xanh, đỏ, tím, nhỏ, và có thể chuyển giao cho các hộ sản xuất, kinh doanh cá cảnh.