Hệ thống thủy lợi tự chảy là điều kiện thuận lợi để tổ chức sản xuất lúa ổn định và thâm canh nâng cao sản lượng lúa vùng lòng chảo Điện Biên trong những năm qua.

Điều kiện thủy văn

Trên địa bàn vùng lòng chảo có hai con sông chính là sông Nậm Rốm và sông Nậm Núa. Nậm Rốm là tên một con sông chảy dọc qua cánh đồng lòng chảo Mường Thanh, đây là con sông mang phù sa bồi đắp nên sự màu mỡ của cánh đồng Mường Thanh. Theo tiếng dân tộc Thái thì Nậm Rôm có nghĩa là thiếu nước.

Trước năm 1965, cánh đồng Mường Thanh màu mỡ nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp thì hoàn toàn dựa vào thời tiết. Năm 1965, hệ thống đại thủy nông Nậm Rốm được hoàn thành, năm 1974 hồ chứa nước Pa Khoang với dung tích 34,2 triệu m3 đã hình thành vùng sản xuất lúa với điều kiện tưới tiêu thuận lợi.

Điều kiện về thủy lợi

Vùng lòng chảo Điện Biên đã được xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm, đây là công trình thủy lợi lớn thứ hai sau công trình thủy lợi Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Để tưới cho cánh đồng Mường Thanh, 2 dòng kênh là: kênh hữu, kênh tả bao quanh cánh đồng và hệ thống các hồ chứa trung thủy nông kèm theo. Với nguồn nước và hệ thống công trình thuỷ lợi hiện có, hàng năm có thể khai thác nguồn nước tưới chủ động cho diện tích lúa 2 vụ vùng lòng chảo Điện Biên.

Hệ thống đại thủy nông Nậm Rốm: gồm đập dâng Nậm Rốm được xây dựng từ năm 1963 và hoàn thành năm 1965 và hồ Pa Khoang được xây dựng năm 1974 và hoàn thành năm 1981 với dung tích 34,2 triệu m3, hồ Huổi Phạ, dung tích 2 triệu m3 và nhiều hồ nhỏ có dung tích từ 400 - 500 m3. Năng lực thiết kế tưới cho 3.200 ha lúa, và 417 ha hoa màu 2 vụ. Hồ Pa Khoang có nhiệm vụ bổ sung nước cho công trình Đại thủy nông Nậm Rốm từ 50% lên 70%. Quy mô công trình hồ Pa Khoang có độ cao trình mặt nước dâng trung bình = 922,2m, chiều dài đập 187 m, bề rộng đập 5 m, chiều cao đập 26m.

Hình ảnh Sông Nậm Rốm và hệ thống thủy lợi của cánh đồng lòng chảo Mường Thanh (Nguồn: Rudec).
Hình ảnh Sông Nậm Rốm và hệ thống thủy lợi của cánh đồng lòng chảo Mường Thanh (Nguồn: Rudec).

Hệ thống các công trình trung thủy nông và tiểu thủy nông được xây dựng để bổ sung nước cho công trình Đại thủy nông Nậm Rốm và tăng diện tích tưới phục vụ thâm canh lúa ở cánh đồng như: Hồ Huổi Phạ, hồ Hồng Sạt, Hồ Pe Luông, Hồ Hồng Khếnh.

Toàn bộ cánh đồng Mương Thanh được tưới bưởi hệ thống kênh được chính kiên cố hóa, trong đó kênh tả dài 14,178 km, kênh hữu dài 16,89 km, hai kênh này bao quanh cánh đồng. Cùng với đó dòng sông Nậm Rốm chảy ở giữa làm nhiệm vụ tiêu thoát cho diện tích lúa của vùng lòng chảo (hình trên). Công trình đại thủy nông Nậm Rốm không chỉ có ý nghĩa về mặt sản xuất của người dân khu vực lòng chảo, mà nó còn có ý nghĩa về đời sống tinh thần của người dân Điện Biên, “Kênh Tả” đã được lấy để đặt tên cho đường phố ở thành phố Điện Biên Phủ.

Hệ thống kênh mương nội đồng: Gồm 90,9 km kênh cấp 2 hiện đã được kiên cố hóa, còn lại 23,35 km chưa được kiên cố và khoảng 400 km kênh cấp 3 (chủ yếu là kênh đất). Hệ thống kênh xương cá dày đặc, nối nguồn nước từ kênh tả, kênh hữu đến các diện tích gieo cấy. Đảm bảo cho hệ thống thủy lợi ở khu vực này trở nên hoàn thiện và hoàn toàn chủ động. Hệ thống tưới bằng trọng lực (tự chảy), rất thuận lợi cho sản xuất lúa.

Với đặc điểm là hệ thống thủy lợi tự chảy, điều kiện sản xuất ở vùng lòng chảo Điện Biên tốt hơn rất nhiều vùng ở Đồng bằng Sông Hồng. Đây là một thuận lợi rất quan trọng để tổ chức sản xuất lúa ổn định và thâm canh nâng cao sản lượng lúa vùng lòng chảo Điện Biên trong những năm qua. Ngoài ra, với hệ thống này, diện tích sản xuất lúa còn được tưới phù sa hàng năm, nhiều hàm lượng khoáng chất (đạm, lân, can xi, magre, natri ) từ nguồn nước từ các hồ, sông suối.