Nếu bà con nông dân áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lúa thì sẽ cho năng suất cao hơn và chất lượng gạo ngon hơn.

Thời vụ gieo sạ

Lúa ở vùng lòng chảo Điện Biên được gieo cấy 2 vụ/năm, với những đặc thù về điều kiện sản xuất: đất đai, thủy lợi, đặc biệt là thời tiết nên kỹ thuật sản xuất cũng mang những đặc điểm khá đặc trưng:

Vụ xuân: Thời gian gieo sạ chính vụ từ 25/12 - 8/1 năm sau (dương lịch).

Vụ mùa: Thời gian gieo sạ chính vụ từ 1-20/6 (dương lịch). Tùy thuộc vào các giống sử dụng (giống ngắn ngày, giống dài ngày) và chân đất (cao, thấp), nhưng phải đảm bảo lúa trổ bông vào thời kỳ an toàn từ 25/8 - 10/9.

Làm đất

Trong vụ xuân, ruộng lúa phải được cầy và phơi ải 1 - 2 tháng trước khi đưa nước vào để làm đất. Đất được cày bừa kỹ nhuyễn bùn, sạch cỏ dại, mặt ruộng phẳng có rãnh thoát nước xung quanh rộng, không để ruộng mấp mô, đọng nước nhằm thuận tiện cho việc tưới tiêu nước trên khắp mặt ruộng.

Ngâm ủ giống và gieo sạ

Dùng giống Bắc Thơm số 7, IR64 nguyên chủng hoặc giống xác nhận, nguồn gốc rõ ràng, được chứng nhận. Lượng giống gieo trên từ 90 - 110 kg/ha đối với giống Bắc thơm số 7, 120 - 140 kg/ha đối với giống IR64. Ngâm giống: yêu cầu mầm giống sau ngâm ủ có chiều dài cân đối (mầm = ½ rễ, rễ dài bằng hạt thóc), rễ trắng, mầm có màu trắng ngà, không chua, mùi thơm.

Gieo sạ bằng dụng cụ chuyên dùng, nếu gieo sạ thủ công thì cần phải gieo đi, gieo lại nhiều lần để đảm bảo mật độ đều trên mặt ruộng và gieo nặng tay để hạt thóc chìm dưới bùn, mầm hở trên mặt ruộng.

Ảnh: Timdeal.
Ảnh: Timdeal.

Chăm sóc lúa

Khi cây lúa được 2,5 - 3 lá thì tiến hành tỉa dặm (chuyển cây lúa từ chỗ có mật độ dầy sang chỗ có mật độ thưa), đảm bảo khoảng cách cây: 12 - 15cm/cây.

Bón phân cho lúa: Sử dụng phân bón trên 4 nguyên tắc: Bón đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và cân đối giữa các loại phân.

Lượng phân bón: Phân hữu cơ: 8 tấn/ha; phân vô cơ: 80 - 100 kg đạm (N), 70 kg lân (P2O5) vaf 70 - 100 kg kali (K2O).

Bón lót: Bón lót toàn bộ phân chuồng + vôi khi bừa lần 1 để phân chuồng vùi sâu vào trong đất. Trước khi bừa lần cuối tiến hành bón toàn bộ phân lân + 30% đạm + 20% kali.

Bón thúc: Vụ xuân: bón thúc lần 1 với 10% đạm khi lúa được 2,5 - 3 lá; khi lúa 4 -5 lá thì bón 50% đạm + 30% kali; số đạm và kali còn lại bón khi lúa phân hóa đòng. Vụ mùa: bón thúc lần 1 với 50% đạm và 30% kali khi lúa 4-5 lá; khi lúa phân hóa đòng tiến hành bón hết số đạm, kali còn lại.

Tưới nước: Tưới nước thường xuyên cho lúa, vào giai đoạn lúa đứng cái nên rút nước phơi ruộng để hạn 5 - 7 ngày để giúp lúa chống đổ tốt. Sau đó tiếp tục cho nước vào thường xuyên trong giai đoạn lúa có đòng đến trỗ. Thời kỳ lúa từ khi có đòng đến trỗ và chín, tuyệt đối không được để ruộng hạn, ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh, thụ phấn và chín của lúa.

Bảo vệ thực vật: Với lúa Bắc Thơm số 7, dễ bị nhiễm một số loại sâu bệnh như: Tập đoàn rầy, sâu cuốn lá, sâu cắn gié, bệnh đạo ôn trong vụ xuân từ nhẹ đến trung bình. Nhiễm bạc lá, khô vằn, các loại rầy trong vụ mùa. Trong vụ đông xuân, lúa bị nhiễm bệnh bạc lá vi khuẩn. Với giống lúa IR64 ít bị sâu bệnh hại hơn, thường bị nhiễm một số loại sâu bệnh như sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, khô vằn. Tiến hành phòng trừ để sâu bệnh không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa.

Ảnh: Luongthucsach.
Ảnh: Luongthucsach.

Thu hoạch lúa

Tiến hành thu hoạch lúa khi lúa chín 85% (sau trỗ 25 - 28 ngày), có thể gặt bằng máy hoặc thủ công.

Lúa được tuốt và phơi khô. Trước khi tuốt lúa cần làm sạch máy tuốt để tránh lẫn với các loại lúa khác còn lại trong máy tuốt. Thóc sau khi tuốt phải tiến hành phơi ngay để màu thóc được sáng đẹp, đảm bảo chất lượng.

Thóc được phơi khoảng 2 - 3 nắng, tùy thuộc vào cường độ nắng, tốt nhất là phơi trong nắng nhẹ. Khi độ khô của lúa đạt 15 - 17% là đưa vào bảo quản đối với Bắc thơm số 7, 14% đối với gạo IR64.

Sau khi phơi thóc phải được làm sạch bằng quạt hoặc công cụ làm sạch khác.

Bảo quản thóc

Thóc vùng lòng chảo Điện Biên được người nông dân bảo quản theo cách thông thường, cho vào bao tải, hòm tôn, sắt....

Nếu bảo quản bằng bao rứa, bao tải thì bên trong nên có một lớp nilon để thóc không bị bay hơi, mấy mùi thơm. Thóc được chứa trong các kho, kê cao để đảm bảo không bị ẩm ướt. Thóc có thể được bảo quản trong vòng 6 tháng.

Chế biến và đóng gói

Thóc được say sát hoàn toàn bằng máy sát, không sử dụng hình thức đánh bóng, không sử dụng bất cứ phụ gia nào làm ảnh hưởng đến màu sắc, mùi vị của gạo.

Gạo được làm sạch bằng cách tách bỏ những hạt gạo bị lẫn, bị hỏng, các tạp chất khác.

Gạo được đóng gói trong vào bao bì: Bao rứa (bên trong có một lớp nilon), túi nilon…

Đối với gạo Bắc thơm số 7, thời gian bảo quản gạo tối ưu sau khi say sát là 30 ngày, do đó nên dự trữ thóc thay vì dự trư gạo sau chế biến. Gạo IR64 thì thời gian bảo quản gạo lâu hơn, lên đến 60 ngày.