Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố Việt Nam đã loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết, hay còn gọi là bệnh phù chân voi, ra khỏi các vấn đề y tế công cộng. Hiện trên toàn cầu mới chỉ có một số nước có bệnh giun chỉ bạch huyết đạt được thành tựu này.

Thông cáo báo chí phát đi từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội chúc mừng Chính phủ Việt Nam về thành quả đầy ấn tượng cho biết, từ năm 2011, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ Việt Nam loại trừ căn bệnh giun chỉ bạch huyết. Theo đó, USAID giúp Việt Nam thực hiện các khảo sát đánh giá lây truyền bệnh, đánh giá mức độ sẵn sàng và chất lượng của các dịch vụ dành cho những người bị bệnh giun chỉ bạch huyết, và thu thập bằng chứng và chuẩn bị bộ hồ sơ trình WHO – một tài liệu chính thức được sử dụng để xác thực việc loại trừ một căn bệnh.

Một bệnh nhân vệ sinh phần chân bị phù bạch huyết do bệnh giun chỉ bạch huyết gây ra.
Ảnh: RTI International

Được biết, USAID là một trong những tổ chức đi đầu trên toàn cầu trong việc loại trừ và kiểm soát 7 trong số các loại bệnh nhiệt đới bị lãng quên phổ biến nhất, trong đó có bệnh giun chỉ bạch huyết. Cùng với các đối tác, USAID đã cung cấp 2,3 tỷ lượt điều trị cho hơn 1 tỷ người ở 31 nước trong 12 năm vừa qua. Nhờ những nỗ lực này, hiện nay có 252 triệu người sinh sống tại các khu vực đó không cần tới điều trị giun chỉ bạch huyết nữa.

Bệnh giun chỉ bạch huyết, hay còn gọi là bệnh phù chân voi, là một căn bệnh nhiễm ký sinh trùng do muỗi làm lây truyền sang con người. Bệnh giun chỉ bạch huyết phá hỏng khả năng của cơ thể trong việc thoát và phân phối lại dịch bạch cầu và thường gây sưng nặng ở chân, tay và các bộ phận khác của cơ thể. Biến dạng nặng và đau đớn thường xuyên xuất hiện khiến cho các hoạt động hàng ngày như đi lại và làm việc trở nên cực kỳ khó khăn. Ngoài đau đớn và khuyết tật về thể chất, nhiều người còn đau đớn về mặt xã hội và bị gia đình và cộng đồng xa lánh.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết, năm 2013, có gần 1,4 tỷ người ở 73 quốc gia trên toàn cầu có nguy cơ nhiễm giun chỉ bạch huyết và có hơn 120 triệu người đang nhiễm bệnh trong đó có 40 triệu người bị biến dạng và mất khả năng do bệnh gây ra.

Còn theo Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM, tại Việt Nam, bệnh thường khu trú thành từng điểm nhỏ, chủ yếu ở vùng trồng lúa nước như vùng châu thổ sông Hồng với 5 tỉnh trọng tâm là Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Hòa Bình hay các tỉnh như miền trung và miền nam như Nghệ An, Quảng Bình, Khánh Hòa. Tỉ lệ mắc bệnh ở vùng đồng bằng là 1-3% dân số, vùng trung du 1-2%, vùng miền núi hiếm gặp với tỷ lệ mắc dưới 1%. Không có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm bệnh giữa nam và nữ, nguy cơ nhiễm cao nhất thường gặp ở lứa tuổi 30-40.