"Việc đưa giáo dục STEM vào giảng dạy là một trong nhiều khía cạnh của đổi mới giáo dục. Đây là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực nghiên cứu, công nghệ chất lượng cao" - Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nói tại hội nghị STEMCON sáng 1/3.

Hội nghị Khoa học - Kỹ thuật - Công nghệ và Toán học (STEMCON) do Chương trình Liên minh hợp tác giáo dục đại học ngành kỹ thuật (HEEAP) - được thành lập vào năm 2010 bởi tập đoàn Intel và Đại học Bang Arizona với nguồn tài trợ của Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ - tổ chức. Hội nghị lần thứ 5 diễn ra ngày 1/3/2017 tại Hà Nội với chủ đề: “Thúc đẩy sự phát triển tương lai Việt Nam: Tạo cảm hứng cho sinh viên, nhà sáng chế, nhà giáo dục và doanh nhân để cùng đổi mới”.



Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Loan Lê
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Loan Lê

Sự phát triển, thay đổi không ngừng nghỉ của công nghệ và xã hội đang đặt ra rất nhiều thách thức cho các trường đại học, cao đẳng trong việc đào tạo; làm sao để khi ra trường, sinh viên có mục đích, có tự chủ, có sự tinh thông, có đủ năng lực đáp ứng, thích ứng với cuộc sống. Đó là điều mà các đại biểu tham dự hội nghị đã trao đổi để tìm câu trả lời.

Vấn đề đổi mới sáng tạo cũng được các đại biểu khẳng định là động lực để duy trì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước trên thế giới, giúp chúng ta phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách. Trong đó, đổi mới trong giảng dạy tại đại học có một vai trò vô cùng quan trọng.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, các doanh nghiệp đưa chương trình đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào giảng dạy. Mục đích là để sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn học yêu cầu của cuộc sống, của doanh nghiệp; và cùng với các doanh nghiệp thành công đào tạo để sinh viên có thể tham gia vào doanh nghiệp ngay khi vừa ra trường.