Theo các nhà khoa học: rừng Yên Tử, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh có 830 loài thực vật, trong đó 38 loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam.


Trong đó có loài cây từng gắn bó với Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Thiền Phái Trúc Lâm còn sót lại ở Rừng quốc gia Yên Tử là loài Xích Tùng cổ, với 237 cây có tuổi đời hơn 700 năm, tập trung ở khu vực Đường Tùng, Am Dược, Chùa Hoa Yên lên Thác Vàng, Thác Bạc; khu vực Chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, Hòn Ngọc, Tháp Tổ... Yên Tử trở thành Trung tâm Phật giáo Việt Nam, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách về chiêm bái. Việc bảo tồn, phát triển bền vững các giá trị đa dạng sinh học của rừng quốc gia Yên Tử phải được gắn với bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hoá này.

Cây Xích Tùng Yên Tử
Cây Xích Tùng Yên Tử

Tuy nhiên, do thời gian, sự tác động của thiên nhiên và hoạt động của con người làm cho những cây tùng cổ của Yên Tử bị xâm hại nghiêm trọng, khả năng tái sinh kém và có nguy cơ tuyệt chủng. Theo kết quả điều tra và đánh giá ngày 21/4/2015 giữa UBND TP Uông Bí và một số chuyên gia đầu ngành về thực vật thuộc Cục Bảo vệ thực vật, Viện Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc, Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các điểm di tích có 237 cây tùng (Hoàng đàn giả).

Trong đó, 18 cây đã chết trong thời gian 5 năm trở lại đây; 132 cây thân, gốc bị mục rỗng một phần, cụt ngọn, thân nghiêng, sâu bệnh hại nặng, nhiều rễ nổi... Riêng đường Tùng cổ thụ có 69 cây thì 7 cây đã chết đứng, 51 cây bị mục rỗng thân, gốc và sâu bệnh hại. Bên cạnh đó thì còn có nhiều nguy cơ xâm hại rất lớn khác cho cây Tùng như: bệnh xỉ mủ làm chết hoại dần phần thân gỗ, bệnh khô cành, thân do nấm.

Ngày 23/12/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định số 4149, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Chăm sóc, bảo tồn các cây Xích Tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử giai đoạn 2016 - 2020. Dự án đầu tư chăm sóc 237 cây Xích Tùng cổ hiện có và bước đầu trồng thay thế 50 cây, trong đó có 18 cây Xích Tùng bị chết gần đây; nghiên cứu trồng bổ sung tái tạo lại đường Tùng cổ hiện nay bởi qua nghiên cứu cho thấy thường cây được trồng đối xứng hoặc so le theo hàng và các vị trí khác.

Trong quá trình gieo ươm, nhân giống, chăm sóc các cây Tùng tại vườn sẽ tiếp tục triển khai trồng bổ sung vào các vị trí các cây Tùng đã chết chưa được trồng lại và có thể triển khai trồng mới tại một số điểm . Trên cơ sở mục tiêu góp phần tôn tạo, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị đa dạng sinh học, giá trị thẩm mỹ của cảnh quan thiên nhiên, giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử tại khu vực Di tích Yên Tử, tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, giáo dục bảo vệ môi trường và phục vụ tham quan du lịch, lễ hội truyền thống.

Theo ông Phạm Văn Dược, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, số tiền trên dự kiến sẽ được thực hiện phân kỳ, trong năm 2016 sẽ chăm sóc, cứu chữa cho những “cụ” tùng đang lâm trọng bệnh. Đầu tư xây dựng 1 vườn ươm để nhân giống, bảo tồn loài cây Xích Tùng, phục vụ cho công tác trồng kế cận sau này. Đầu tư chăm sóc 237 cây Xích Tùng cổ, với những nội dung công việc cụ thể như sau: Đối với cành bị bệnh: Tất cả các cành đã chết khô đều phải cắt bỏ không để tự rơi rụng xuống dưới hoặc để mục trên cây làm môi trường cho các loài sâu, bệnh hại; Cắt tỉa những cành bị sâu bệnh hại, những cành còn tươi nhưng bị tổn thương ở những vị trí chịu lực, có nguy cơ gãy rụng khi có gió bão. Trung bình mỗi cây có khoảng 20 cành (thứ cấp và sơ cấp) cần cắt tỉa. Cắt tỉa cành cây lân cận đang cạnh tranh không gian dinh dưỡng, chờm tán..., cắt bỏ dây leo quấn quanh cây, cây đổ đè, trả lại không gian dinh dưỡng, tránh các nguy cơ đổ gẫy lên cây Xích Tùng cổ.

Đối với thân bị rỗng, dùng các dụng cụ chuyên dụng như: xoi, nạo lấy phần gỗ bị hoai mục, đến sát phần thân sống, xông hơi thuốc tiêu diệt các mầm mống nấm hoại sinh và côn trùng gây hại (mối, rệp, bọ cánh cứng,....) trong các khe rãnh gỗ trong lòng thân cây. Xử lý bề mặt trong thân gỗ bằng thuốc chống nấm, chống thấm nước hạn chế sự xâm nhập của nước mưa và các nhân tố gây hại khác. Những cây có hiện tượng mục gốc, mục dọc thân đã và đang bị mối tấn công dùng thuốc diệt mối Termido hoặc có thể dùng máy diệt côn trùng hoặc đặt các bẫy bả diệt mối quanh gốc được để trừ diệt mối.

Những cây (hoặc cành) bị nghiêng có nguy cơ gẫy, đổ cần được chống đỡ bằng cột chống, cáp kéo, những vật gia cường cần ngụy trang phù hợp với cảnh quan xung quanh. Những cây bị bọ cánh cứng (xén tóc, mọt, vòi voi,.....) gây hại sẽ dùng các chế phẩm hoá học bảo vệ thực vật (thuốc trừ, thuốc bảo vệ và thuốc điều trị,…) phòng trừ. Đây là biện pháp nhanh nhất tiêu diệt nhanh các loài sâu hại cây rừng. Trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của điều kiện đất đai đến sinh trưởng và phát triển của từng cây, đưa ra biện pháp kĩ thuật bón phân cụ thể tác động đến cây Xích Tùng cổ và cho các địa điểm trồng mới.

Bên cạnh đó, xây dựng vườn ươm và ươm giống bảo tồn loài cây Xích Tùng cổ gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng vườn ươm 2 ha. Sưu tầm và chăm sóc cây tái sinh tự nhiên khoảng 50-60 cây tại Rừng Quốc gia Yên Tử, đưa về vườn ươm chăm sóc, phục hồi nguyên trạng. Ngoài ra, tiến hành ươm 300 cây giống tại vườn ươm từ việc thu hái hạt. Đây là giải pháp an toàn nhưng thời gian triển khai lâu, cây nuôi trong vườn ươm 5 năm mới trồng được. Sau khi 50 - 60 cây được sưu tầm và các cây được gieo ươm tại vườn được chăm sóc sinh trưởng, phát triển tốt ở vườn ươm đủ tiêu chuẩn, điều kiện sẽ chọn thời gian thuận lợi trồng vào vị trí đã xác định.

Các công việc cụ thể như: đào cây, vận chuyển cây, đào hố, trộn đất và phân, lấp đất, đóng cọc tre hay gỗ để cột giữ cho cây khỏi bị nghiêng, đổ ngã, rào xung quanh cây. Công tác chăm sóc bảo vệ được thực hiện trong suốt kỳ dự án, thường xuyên theo dõi tưới nước khi khô hạn, bón phân, rẫy cỏ, phát dây leo,…..và phát hiện phòng trừ sâu bệnh hại. Để đảm bảo thành công cần trồng thí điểm từng cây, khi có kết quả cây sống, sinh trưởng tốt mới trồng cây khác, nếu không thành công phải ngừng ngay để kiểm tra lại nơi gây trồng cũng như quá trình gây trồng.

Địa điểm khảo sát nghiên cứu xây dựng dự án tại Rừng quốc gia Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích tự nhiên là 2.783 ha. Các cây Xích Tùng trong rừng quốc gia Yên Tử phân bố tại các khu vực có các đặc điểm điều kiện tự nhiên phù hợp với điều kiện sinh thái của cây Xích Tùng. Dự kiến, kinh phí thực hiện dự án “Chăm sóc, bảo tồn các loài cây Xích Tùng cổ tại Rừng Quốc gia Yên Tử, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2020” trên 27 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Ninh là 13,5 tỉ đồng; còn lại là ngân sách TP Uông Bí và huy động các khoản khác.

Việc lựa chọn và chăm sóc cây Xích Tùng rất phức tạp, sự tỉ mỉ vì cây tùng tái sinh tự nhiên nên rất khó trồng, khó trưởng thành tại nơi tái sinh. Công việc này cần ít nhất 4 năm theo dõi, chăm sóc mới hi vọng có “thế hệ kế cận” trong vài chục năm tới. Bảo vệ, phục hồi và bảo tồn được các loài Xích Tùng cổ tại Rừng Quốc gia Yên Tử tỉnh Quảng Ninh góp phần bảo vệ hiện trường phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan học tập.

Đồng thời, tạo ra lá phổi xanh cải thiện môi trường, góp phần điều hoà khí hậu, tăng cường chức năng phòng hộ, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt phục vụ các ngành nông, công nghiệp các khu vực ở vùng thấp, miền xuôi và làm đẹp cảnh quan môi trường. Dự án mang lại hiệu quả tích cực về mặt giáo dục môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống của con người, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng bằng các hoạt động lâm nghiệp, nông nghiệp bền vững, dịch vụ du lịch sinh thái - văn hóa.