Trong nghiên cứu mới về sử dụng đất nông nghiệp ở ĐBSCL, các mô hình này được xác định dựa trên chỉ số về mức độ phù hợp và bền vững được tính từ bảy loại chỉ số: mức độ phù hợp với điều kiện tự nhiên trong tương lai; sức chống chịu với biến đổi khí hậu; khả năng ứng phó với rủi ro; và các chỉ số kinh tế, xã hội, môi trường và giới.

Cụ thể, ở khu vực tiểu vùng thượng đồng bằng, các mô hình trồng lúa-sen, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi vịt là những mô hình phù hợp và bền vững nhất.

Ở tiểu vùng giữa, do tác động kép của mực nước biển dâng và biến đổi dòng chảy sông phía đầu nguồn, chăn nuôi gia súc, mô hình lúa-nuôi trồng thủy sản, và cây công nghiệp được coi là có khả năng trở thành những mô hình phù hợp nhất, mặc dù các mô hình cây ăn quả, lúa-vịt, lúa 2 vụ, lúa-rau, cá tra, và rau cũng sẽ vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Ở tiểu vùng ven biển, các mô hình lúa-tôm và nuôi tôm siêu thâm canh được xếp vào loại hệ thống sinh kế hàng đầu vì chúng phù hợp với điều kiện tự nhiên trong tương lai, mang lợi nhuận tốt với ít rủi ro dịch bệnh và tạo ra nhiều việc làm.

Nghiên cứu do Chương trình đối tác chiến lược Australia - Nhóm Ngân hàng Thế giới tiến hành trong bối cảnh những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam chú trọng điều chỉnh chính sách đất đai để không chỉ đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực quốc gia mà còn hướng đến một nền nông nghiệp năng động, phát triển và bền vững hơn.