Ngày 24/5, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) ra mắt Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Technology Industries Corporation) với nhiệm vụ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và công nghiệp điện tử viễn thông.

Tổng công ty này được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị sản xuất, nghiên cứu hiện tại của Viettel, gồm: Viện Nghiên cứu và phát triển Viettel, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng viettel, Trung tâm Nghiên cứu phát triển vi mạch Viettel.

Lãnh đạo các bộ ban ngành tham quan khu triển lãm các sản phẩm công nghệ quân sự tại lễ ra mắtTổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel. Ảnh: Viettel.

Lãnh đạo các bộ ban ngành tham quan khu triển lãm các sản phẩm công nghệ quân sự tại lễ ra mắt Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel. Ảnh: Viettel.

Trong chiến lược tái cơ cấu, Tập đoàn Viettel đã thành lập 7 Tổng công ty ở nhiều lĩnh vực, dựa trên việc tổ chức lại các khối trực thuộc, bao gồm: Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom), Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks), Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post), Tổng công ty Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global), Tổng công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction), Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Business Solutions Corporation) và Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Technology Industries Corporation).

Trong lĩnh vực công nghệ cao, Viettel đã nghiên cứu chế tạo thành công 78 sản phẩm, làm chủ 68 công nghệ lõi với 111 sáng chế. Tổng doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao đến năm 2018 đạt 1,05 tỷ USD.

“Cách làm của Viettel là làm chủ toàn bộ các khâu nghiên cứu – thiết kế - chế tạo với quy trình bảo mật tuyệt đối”, thông cáo từ Viettel về việc thành lập Tổng công ty viết.

Viettel có định hướng trở thành Tập đoàn Công nghiệp Công nghệ cao với 3 nền công nghiệp mũi nhọn: công nghiệp quốc phòng, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp an ninh mạng.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, khẳng định mục tiêu đến 2030 Viettel sẽ đứng trong TOP 10 các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin lớn nhất trên thế giới.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, phát biểu tại lễ ra mắt Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel. Ảnh: Viettel.

“Chỉ bằng việc làm chủ công nghệ lõi thì một quốc gia mới có thể trở thành một quốc gia phát triển và tiên tiến. Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel là một nhân tố quan trọng trong quá trình hiện đại hóa quân đội, xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại và nguồn lực mạnh cho phát triển công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia, đưa Việt Nam ra khỏi bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước phát triển”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng khẳng định tại lễ ra mắt Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao.

“Việc người khổng lồ Huawei lâm nguy khi bị cấm vận đã cho chúng ta bài học về thế nào là làm chủ công nghệ, thế nào là nghiên cứu rộng, nghiên cứu sâu, sức mạnh cốt lõi của chúng ta là gì. Dù rất khó khăn để tìm lời giải, nhưng sứ mệnh của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao là phải giải quyết các vấn đề đó”.

Các sản phẩm công nghệ cao Viettel đã nghiên cứu, sản xuất
Trong lĩnh vực dân sự:
Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS
Hệ thống tổng đài chuyển mạch cho mạng 3G vMSC
Hệ thống tổng đài tin nhắn vSMSC
Trạm thu phát 4G - eNodeB
Tổng đài mạng lõi 4G vEPC
Hệ thống nhạc chuông chờ vCRBT
Thiết bị đầu cuối và thiết bị phụ trợ như: Điện thoại di động bảo mật, thiết bị đầu cuối cố định băng rộng cáp quang ONT, thiết bị truyền dẫn Site Router

Trong lĩnh vực quốc phòng:
Máy thông tin quân sự bảo đảm thông tin liên lạc cả trên bộ, trên không và trên biển.
Hệ thống cảnh giới vùng trời Quốc gia.
Hệ thống radar công nghệ số ứng dụng AI trong bài toán xử lý, hiển thị mục tiêu và nhiễu.
Hệ thống mô hình mô phỏng phục công tác huấn luyện chiến đấu.
Hệ thống Quang điện tử hỗ trợ quan sát, giám sát, trinh sát và chỉ thị mục tiêu sử dụng công nghệ ảnh nhiệt (thermal imaging).