Dự thảo Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển Trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” do Sở KH&CN TPHCM xây dựng, đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 có 2 đơn vị tiệm cận trình độ quốc tế, đến năm 2030 có 5 đơn vị tiệm cận, đạt chuẩn quốc tế.

Các trung tâm này được phát triển trên cơ sở tổ chức KH&CN công lập do UBND TPHCM quản lý và các tổ chức KH&CN công lập khác trên địa bàn thành phố.

Tại buổi tọa đàm góp ý dự thảo Đề án do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 11/8, bà Nguyễn Thị Thu Sương, quyền Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN TP HCM, cho biết, Trung tâm đạt chuẩn quốc tế được hưởng nhiều chính sách ưu đãi áp dụng cơ chế đặc thù của thành phố về chế độ thù lao, phúc lợi cho các chức danh lãnh đạo, người làm nghiên cứu khoa học,...

Các trung tâm này còn được Thành phố ưu tiên đầu tư công về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo,..; cũng như được hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng, sở hữu trí tuệ, thương mại hóa, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hội thảo, diễn đàn, triển lãm,…

C
Công nghệ sinh học là một trong những lĩnh ưu tiên trong việc phát triển các trung tâm đạt chuẩn quốc tế. Ảnh: Internet

Về cơ chế hoạt động, dự thảo đề án đưa ra một số điểm như khi phê duyệt một chương trình, dự án nghiên cứu, cơ quan quản lý không đi sâu vào chi tiết về mục tiêu từng sản phẩm cụ thể, mà khái quát trên công việc chính cần làm, dự kiến sản phẩm, dự toán theo hình thức khái toán. Hội đồng đánh giá thuyết minh, kế hoạch một dự án trong cả giai đoạn 5 năm, chứ không phải từng nhiệm vụ. Tổ chức nhận nhiệm vụ được chủ động kế hoạch thầu, không phải thông qua cơ quan quản lý nhà nước như trước đây.

Lĩnh vực hoạt động được ưu tiên là các trung tâm chuyên nghiên cứu về điện tử - công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, xây dựng chính sách phục vụ phát triển thành phố.

Dự thảo quy định các tiêu chí lựa chọn công nhận các trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế gồm:

- Trong 5 năm công bố trung bình 10 bài báo trong cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus, ISI. Các bài báo này phải có sự gia tăng chất lượng, thông qua việc được đăng trên tạp chí quốc tế có chỉ số ảnh hưởng và chỉ số trích dẫn cao.

- Đăng ký hoặc được cấp ít nhất 5 bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, 10 bằng độc quyền giống cây trồng, 5 bằng độc quyền (với đơn vị thiết kế, tích hợp mạch bán dẫn).

- Có ít nhất 10 hoạt động chuyển giao công nghệ (gồm tư vấn, tập huấn, đào tạo, chuyển giao, ...); hoặc 10 hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoặc có 1 sản phẩm khoa KH&CN được công nhận.

- Có ít nhất 3 hợp đồng hợp tác nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo với các tổ chức nghiên cứu phát triển, doanh nghiệp, ưu tiên đối với các đối tác quốc tế.

- Có năng lực phát triển bền vững thông qua hoạt động thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các nguồn tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật; duy trì kết quả nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo có chất lượng theo thời gian.

Góp ý cho dự thảo Đề án, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, cho rằng, cần xem lại tiêu chí phấn đấu trong quá trình xây dựng Trung tâm, có công bố quốc tế 10 bài báo/năm là hơi nhiều, 5 bằng độc quyền sáng chế thì rất khó.

n
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Đề án. Ảnh: KH

Theo TS Ngô Võ Kế Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM - nên bổ sung thêm yêu cầu khả năng thương mại hóa công nghệ nghiên cứu. Ông đề xuất, với những trung tâm nghiên cứu hướng ứng dụng, cần tăng tiêu chí số lượng sản phẩm ra thị trường.

GS.TS. Nguyễn Kim Lợi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Đại học Nông Lâm TPHCM - thì cho rằng, nên dành ưu tiên cho những nhiệm vụ KH&CN của Trung tâm, có kết nối với chuyên gia nước ngoài và sự gắn kết với doanh nghiệp để tăng được khả năng thương mại hóa.

Hiện Sở KH&CN TPHCM tiếp tục nhận ý kiến đóng góp của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh sửa, hoàn thiện đề án.