TS. Lê Thị Phương Quỳnh (Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cùng các đồng nghiệp trong nước và quốc tế đã phát hiện ra kết quả này khi khảo sát 15 hồ trong khu vực đô thị Hà Nội.

Các nhà nghiên cứu cho biết, tình trạng đô thị hóa và sự gia tăng dân số đang gây sức ép lên chất lượng nước mặt ở nhiều thành phố, trong đó có Hà Nội. Để có được câu trả lời tương đối chính xác về tình trạng nhiễm vi sinh vật trong nước mặt thủ đô, họ đã khảo sát và lấy mẫu nước ở 15 hồ ở nội đô từ năm 2021 đến 2023 với mục tiêu xem xét sự hiện diện của nhóm vi khuẩn chỉ thị đường ruột (Fecal indicator bacteria FIB) như coliform, trực khuẩn đường ruột và vi khuẩn Escherichia coli – một chỉ thị sinh học phổ biến trong đánh giá sự nguy hiểm của mầm bệnh từ phân của động vật máu nóng trong các hệ sinh thái thủy sinh, đánh giá chất lượng nước…

Kết quả phân tích cho thấy, chỉ số FIB trong phần lớn các mẫu nước đều vượt qua các giá trị cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Lượng nước sinh hoạt được xả thải từ những khu vực đông dân cư và nước mặt ở những nơi là nguồn chính đổ vào các hồ đều ô nhiễm. Các chỉ số FIB cao ở các hồ này cho thấy việc sử dụng nước từ hoạt động trồng trọt, chợ búa, nơi bán tôm cá từ các hồ đều ẩn chứa nguy cơ rủi ro cho người dân. Các số liệu này trở thành một bộ dữ liệu quan trọng về chất lượng nước, vốn hữu ích cho các nghiên cứu khoa học sau này cũng như việc lên kế hoạch quản lý nước.

Các kết quả được nêu trong bài báo “Microbial contamination in surface water in urban lakes of Hanoi city, Vietnam” (Tình trạng nhiễm vi sinh trong nước mặt ở các hồ Hà Nội, Việt Nam), xuất bản trên tạp chí Urban Water Journal.