Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam do VINASA tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy nhanh việc xây dựng, phát triển thành phố thông minh bền vững trong nước.

Chiều 7/9, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức lễ Phát động Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2020.

Giải thưởng dự kiến sẽ trao cho 4 nhóm lĩnh vực:

- Nhóm 1: Các đô thị thuộc 6 loại hình đô thị của Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP
- Nhóm 2: Các Dự án bất động sản, khu đô thị, tòa nhà thông minh
- Nhóm 3: Các Dự án bất động sản công nghiệp (Business park)
- Nhóm 4: Các giải pháp công nghệ cho các thành phố, dự án bất động sản, khu công nghiệp thông minh.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VINASA tại lễ phát động. Ảnh: BTC
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VINASA tại lễ phát động. Ảnh: BTC

Các đơn vị tham gia trải qua 3 vòng đánh giá, bình chọn: Sơ tuyển; Thuyết trình và thẩm định thực tế; Bình chọn Chung tuyển.

Ban giám khảo chấm điểm dựa trên các bộ tiêu chí riêng biệt, cụ thể choi từng nhóm đối tượng.

Theo đó, tiêu chí cho Nhóm 1 hướng tới khuyến khích xây dựng hành lang pháp lý, quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, nguồn lực, dịch vụ công, các tiện ích thông minh.

Nhóm 2 hướng tới cổ vũ xây dựng môi trường đáng sống, đa tiện ích, cộng đồng văn minh cho cư dân.

Nhóm 3 hướng tới khuyến khích tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hoàn chỉnh hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam và FDI.

Nhóm 4 hướng tới thúc đẩy những sáng tạo công nghệ đem lại hiệu quả cao trong ứng dụng tại tất cả các hoạt động của các thành phố, khu đô thị, các dự án bất động sản và bất động sản công nghiệp.

Ban giám khảo đến từ Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, quản lý, kinh tế xã hội, công nghệ, viễn thông, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và các phóng viên báo chí.

Đây là năm đầu tiên giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam” được tổ chức và dự kiến sẽ trở thành thường niên.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VINASA, cho rằng, cách hiểu thành phố thông minh gắn liền với các ứng dụng IoT, AI... là đúng nhưng chưa đủ. Thành phố thông minh nên được hiểu là phương thức phát triển mới để các tương tác giữa doanh nghiệp với chính quyền, giữa người dân với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp... diễn ra thuận lợi nhất.

"Thế giới đang chuyển dịch từ việc so sánh năng lực cạnh tranh của từng quốc gia sang từng thành phố. Đây là bệ phóng để các thành phố phấn đấu trở thành nơi đáng sống với sức tăng trưởng nhanh về kinh tế, an sinh xã hội. Là đất nước đang phát triển, Việt Nam càng phải tập trung xây dựng nhanh thành phố thông minh, để phát huy hiệu quả chi phí đầu tư đã bỏ ra. Phải làm sao để xây dựng một con đường mà có nhiều người, nhiều xe đi được nhất, ít tắc nhất... mang lại hiệu quả lớn nhất" - ông Bình nói.

Nói thêm về tiêu chí trao giải, theo ông Bình, thay vì đánh giá thực trạng, ban giám khảo sẽ đánh giá tiến độ, chiến lược và kế hoạch hành động. 'Thành phố nào làm nhanh hơn, hiệu quả hơn sẽ được trao giải.' - ông Bình nói.

Các đơn vị đoạt giải được nhận Cúp và giấy chứng nhận; đồng thời được quyền khai thác thương mại biểu trưng của Chương trình trong các hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá, và được ban tổ hỗ trợ truyền thông, quảng bá trong suốt năm, đặc biệt là được giới thiệu tại Hội nghị Thượng đỉnh Thành phố Thông minh 2020 (Smart City Summit 2020) ở Việt Nam vào tháng 11.

Giải thưởng nhận hồ sơ từ nay đến hết ngày 10/10/2020. Kế hoạch đánh giá, bình chọn sẽ kéo dài 2 tháng trước khi Lễ Công bố và Trao giải dự kiến được tổ chức vào ngày 17/11 nhân dịp Smart City Summit 2020.