Những thay đổi về môi trường xã hội và khí hậu đang định hình lại sự lây lan và phân bố của các bệnh truyền nhiễm, gây ra những hậu quả cấp bách đối với sức khỏe cộng đồng.

Nghiên cứu “Interactions between climate change, urban infrastructure and mobility are driving dengue emergence in Vietnam” [Tác động của biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng đô thị và di chuyển đang thúc đẩy bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam] đăng trên tạp chí Nature Communications đã cho thấy biến đổi khí hậu và di chuyển đã làm gia tăng nguy cơ lây truyền sốt xuất huyết.

Nghiên cứu khảo sát dữ liệu các ca bệnh ở cấp huyện trong vòng 23 năm (1998-2020), cho thấy, nhiệt độ là yếu tố chi phối sự phân bố và diễn biến của bệnh sốt xuất huyết trong thời gian dài – tình trạng nóng lên kể từ năm 1950 đã làm tăng nguy cơ lây truyền trên khắp Việt Nam và mạnh nhất ở các điểm nóng xuất hiện sốt xuất huyết hiện nay như Hà Nội, Nam Trung Bộ. Nguy cơ sốt xuất huyết trong những tháng mùa hè đã tăng lên, kéo dài hơn so với trước đây, ở vùng Đồng bằng sông Hồng và kéo lên cả miền núi phía Bắc, vốn mát mẻ hơn các khu vực thấp.

Yếu tố di chuyển (được phân tích dựa trên tình trạng lưu thông đường bộ) cũng tác động tới tỉ lệ mắc sốt xuất huyết rõ rệt ở miền Bắc.