PGS.TS Từ Bình Minh (Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội) cho biết kết quả của một trong những nghiên cứu đầu tiên về ô nhiễm các chất phthalate - thường được sử dụng làm tăng độ dẻo trong vật liệu xây dựng, đồ gỗ, đồ chơi bằng nhựa... - trong bụi và không khí trong nhà tại Việt Nam.

Phthalate (phthalate diesters) là một nhóm chất được sử dụng phổ biến trong công nghiệp (sản xuất nhựa, sản phẩm chăm sóc cá nhân, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng,…). Phthalate có những thuộc tính khác nhau do trọng lượng phân tử của chúng khác nhau. Một số phthalate có trọng lượng phân tử cao thường được sử dụng làm tăng độ dẻo trong vật liệu xây dựng, đồ gỗ, đồ chơi bằng nhựa. Một số phthalate có trọng lượng phân tử thấp được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân, sơn mài, sơn và vecni.

PGS.TS
PGS.TS Từ Bình Minh báo cáo nghiên cứu về phthalate tại Hội thảo

Một số nghiên cứu cho thấy phthalate có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người như tổn thương ADN trong nhân tinh trùng, các thông số tinh dịch của con người và hormone sinh sản. Tổ chức quốc tế chuyên nghiên cứu về bệnh ung thư (IARC) đã công bố phthalate là một chất có thể gây ung thư cho con người. Con người tiếp xúc với phthalate chủ yếu qua một số môi trường như bụi trong nhà, không khí, nước và đất, chủ yếu thông qua con đường hô hấp, tiêu hóa, và hấp thụ qua da. Ngoài ra, các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy chất chuyển hóa phthalate trong dịch cơ thể như sữa, huyết thanh và nước tiểu và phthalate có thể được chuyển hóa thành các hợp chất độc hại hơn trong cơ thể con người.

Đến nay, phthalate đã được đo ở nhiều vi môi trường khác nhau như phòng thí nghiệm, nhà trẻ và nơi làm việc. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu đề cập đến sự có mặt của phthalate trong môi trường trong nhà, đặc biệt là không khí trong nhà. Tại một hội thảo trong khuôn khổ triển lãm Analytica 2019, PGS.TS Từ Bình Minh cho biết, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội đã khảo sát và xác định hàm lượng phthalate trong không khí trong nhà bằng phương pháp sắc ký khí ghép nối khối phổ (GC-MS). Đây là phương pháp phân tích có độ tin cậy cao. Điểm lấy mẫu ở các vi môi trường khác nhau như nhà ở, tiệm cắt tóc, nhà trẻ,… tại Hà Nội.

p

Phthalateđược dùng phổ biến trong sản xuất đồ nhựa

Kết quả phân tích cho thấy, hàm lượng phthalate trong bụi trong nhà trong các vi môi trường khác nhau tại Hà Nội từ 3.440 – 106.000ng/g, trong không khí từ 62,4 – 14.800ng/m3. Trong đó, hàm lượng phthalate trong nhà ở và tiệm hớt tóc cao hơn. So sánh hàm lượng này với một số nước trên thế giới thì mức độ ô nhiễm phthalate trong không khí trong nhà tại Việt Nam tương đối cao, tương đương với một số nước công nghiệp phát triển.

“Nhóm trẻ sơ sinh và mẫu giáo có độ phơi nhiễm cao hơn. Ngoài ra, liều lượng hấp thu phthalate thông qua đường hít thở cao hơn nhiều so với hít bụi” – TS. Minh nói và cho biết, nghiên cứu cũng cho thấy, hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ mới trong bụi ở trong nhà tại Việt Nam, như Bisphenols 400ng/g, Siloxanes 206ng/g, Parabens 132ng/g,…