Các chuyên gia cảnh báo một loại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hiếm gặp nhưng đặc biệt nguy hiểm, có tỉ lệ tỉ vong đến 30%, đang lây lan với tốc độ chóng mặt ở Nhật Bản. Nguyên nhân của tình trạng này chưa được xác định.

Số ca mắc bệnh vào năm 2024 dự kiến sẽ vượt quá con số kỷ lục của năm ngoái. Mối lo ngại ngày càng tăng vì liên cầu khuẩn nhóm A, gây ra hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn (STSS), là loại vi khuẩn nguy hiểm nhất và có khả năng gây tử vong cao nhất trong các vi khuẩn mà con người biết đến.

Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật (NIID) cho biết: “Vẫn còn nhiều yếu tố bí ẩn liên quan đến cơ chế đằng sau các dạng liên cầu bùng phát một cách nghiêm trọng và đột ngột như vậy và chúng tôi vẫn chưa thể giải thích chúng”.

Hình minh họa. Nguồn: Alamy

Số liệu tạm thời do NIID công bố, năm 2023 ghi nhận 941 trường hợp STSS. Trong hai tháng đầu năm 2024, 378 trường hợp đã được ghi nhận, các ca nhiễm bệnh xuất hiện ở 45/47 tỉnh của Nhật Bản.

Theo NIID, những người lớn tuổi được coi là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, nhưng gần đây chủng virus nhóm A đang dẫn đến nhiều ca tử vong hơn ở những bệnh nhân dưới 50 tuổi.Asahi Shimbun đưa tin, trong số 65 người dưới 50 tuổi được chẩn đoán mắc STSS có đến một phần ba, tức 21 người, đã chết từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2023.

Hầu hết các trường hợp STSS là do vi khuẩn có tên streptococcus pyogenes gây ra, thường được gọi là strep A. Nó có thể gây đau họng, viêm họng, nhức đầu, mệt mỏi. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt. Điều khiến bệnh này trở nên nguy hiểm một phần vì nhiều người bị nhiễm bệnh mà không hề hay biết.

Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng giống cảm lạnh thông thường nhưng trong một số ít trường hợp, các triệu chứng có thể trở nên trầm trọng hơn bao gồm viêm họng liên cầu khuẩn, viêm amidan, viêm phổi và viêm màng não. Trong trường hợp nghiêm trọng nhất, nó có thể dẫn đến suy nội tạng và hoại tử.

Một số chuyên gia tin rằng số ca nhiễm tăng nhanh vào năm ngoái liên quan đến việc dỡ bỏ các hạn chế được áp đặt trong đại dịch Covid-19.

Vào tháng 5/2023, chính phủ Nhật đã hạ cấp độ tình trạng của Covid-19 từ loại hai xuống loại năm, đặt nó ngang hàng với bệnh cúm mùa.

Động thái này đã khiến người dân mất cảnh giác. Ken Kikuchi - giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Phụ nữ Tokyo, cho biết ông tin rằng việc phân loại lại Covid-19 là yếu tố quan trọng nhất đằng sau sự gia tăng số ca nhiễm liên cầu khuẩn pyogenes. Điều này đã khiến nhiều người từ bỏ các biện pháp cơ bản để ngăn ngừa nhiễm trùng, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên.

Nhiễm trùng liên cầu khuẩn, giống như nhiễm trùng Covid-19, lây lan qua các tiếp xúc vật lý và các giọt bắn khi chúng ta nói chuyện, ho, hắt hơi. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập thông qua các vết thương hở ở trên cơ thể.

Bộ Y tế Nhật Bản khuyến nghị mọi người nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa vệ sinh cơ bản tương tự thời gian đại dịch coronavirus để chống lại liên cầu khuẩn nhóm A.

Bộ trưởng Y tế Keizo Takemi nói với các phóng viên vào đầu năm nay: “Chúng tôi muốn mọi người thực hiện các bước phòng ngừa như giữ ngón tay và bàn tay sạch sẽ cũng như thực hiện các nguyên tắc khi ho, hắt hơi”.

Nguồn:

https://www.theguardian.com/world/2024/mar/15/japan-streptococcal-infections-rise-details