Vào đầu tháng 7, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc đã chính thức phê duyệt kế hoạch của Nhật Bản về việc xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương.

Các thùng chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy Fukushima Daiichi.  Ảnh: Wired.
Các thùng chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy Fukushima Daiichi. Ảnh: Wired.

Kế hoạch này trước đó đã bị ngư dân Nhật Bản và các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối kịch liệt.

Báo cáo phân tích của IAEA công nhận việc xả thải đã qua xử lý làm dấy lên những lo ngại về xã hội, chính trị và môi trường liên quan đến yếu tố phóng xạ.Tuy nhiên, cơ quan này kết luận việc xả nước đã qua xử lý sẽ có tác động không đáng kể đối với con người và môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn của IAEA.

Hơn 1,3 triệu tấn nước đã tích tụ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở phía Đông Bắc của Nhật Bản kể từ năm 2011, sau trận động đất mạnh 9 độ richter dẫn đến sóng thần tàn phá khu vực. Thảm họa kép đã khiến gần 20.000 người chết và gây ra sự cố ở ba trong số sáu lò phản ứng của nhà máy. Đây là tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất kể từ vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl.

Để giữ cho các lõi lò phản ứng còn lại không bị tan chảy, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã bơm gần 180 tấn nước làm mát chảy qua chúng mỗi ngày. Nước thải ô nhiễm được lưu trữ trong hơn 1.000 bể chứa khổng lồ tại nhà máy và trải qua quá trình lọc tự động bằng Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS)để loại bỏ hầu hết chất phóng xạ, ngoại trừ triti – một đồng vị phóng xạ của hydro tương đối vô hại ở nồng độ thấp và rất khó tách khỏi nước. Tính đến nay, hơn 12 năm sau thảm họa, TEPCO đã không còn chỗ để chứa nước thải.