Công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác" vừa được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2016. Công trình này đã tạo thêm niềm tin cho những bệnh nhân ung thư.

Giáo sư - tiến sĩ (GS-TS) Mai Trọng Khoa, chủ nhiệm của cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác", vừa có những chia sẻ về nội dung chính cũng như giá trị, ý nghĩa của công trình này.

GS-TS Mai Trọng Khoa cho biết: “Cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác" gồm 5 nhóm công trình về các kỹ thuật hiện đại có sử dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán và điều trị, đặc biệt là đối với bệnh ung thư. Cụm công trình được tiến hành trong vòng 20 năm tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.

GS-TS Mai Trọng Khoa.

Các kỹ thuật mới được nhóm tác giả tiếp thu, nghiên cứu, làm chủ và trực tiếp đưa vào ứng dụng tại Bạch Mai cũng như các bệnh viện khác ở Việt Nam, giúp chẩn đoán sớm, chính xác, phát hiện các tái phát, di căn, đánh giá chính xác giai đoạn bệnh và hiệu quả điều trị nhiều loại ung thư và một số bệnh lý khác.

Trên cơ sở đó, các bác sĩ đã đưa ra được phương án điều trị chính xác, phù hợp, hiệu quả và an toàn cho từng bệnh nhân, góp phần giải quyết các khó khăn trong chẩn đoán và điều trị ung thư tái phát, di căn, điều mà mà các phương pháp trước đó không đáp ứng được.

Các phương pháp trên đã làm tăng tỷ lệ phát hiện sớm, chính xác bệnh ung thư và tăng rõ rệt tỷ lệ điều trị khỏi, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trong số bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu. Số bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị thành công tại các cơ sở khác do trung tâm đào tạo và hỗ trợ còn cao hơn”.

Theo giáo sư Khoa, những thành công trên đã tạo niềm tin cho nhiều bệnh nhân ung thư Việt Nam, để họ yên tâm ở lại điều trị trong nước; đồng thời tạo được uy tín trong khu vực. Nhiều người nước ngoài mắc ung thư và một số bệnh lý khác đã điều trị thành công tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu.

“Kết quả ứng dụng thực tiễn của cụm công trình đã được phổ biến, chuyển giao cho nhiều cơ sở y tế trong cả nước, góp phần đáng kể vào việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả ung thư ở Việt Nam, tăng tỷ lệ điều trị trong nước, giảm chi phí cho các bệnh nhân ung thư và chi phí xã hội cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh này” - Giáo sư Khoa chia sẻ.

Được biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca ung thư mới và 70.000 người chết vì căn bệnh này. Nước ta thuộc Top 2 quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới. Vì vậy, ung thư đã trở thành căn bệnh gây chết người hàng đầu, là nỗi sợ hãi của tất cả mọi người.

Nhờ có công trình nghiên cứu này, chi phí cho một đợt xạ trị tại Việt Nam hiện nay là 1.200 USD, trong khi tại Singapore là 2.000 USD.