Tập thể dục có thể ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ, song lại không giúp đẩy lùi tiến trình suy giảm trí nhớ đối với những bệnh nhân đã mắc căn bệnh này.

(Nguồn: Now)

(Nguồn: Now)

Đây là kết quả công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The BMJ của Anh số ra ngày 17/5.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi hồ sơ sức khỏe của gần 500 bệnh nhân mắc bệnh mất trí nhớ ở Anh, trong đó hơn 300 người được chỉ định tham gia các lớp rèn luyện thể lực theo nhóm trong thời gian 4 tháng. Các lớp này thường kéo dài trong 60-90 phút, với tần suất 2 lần/tuần.

Ngoài ra, các bệnh nhân còn tự tập luyện ở nhà một giờ đồng hồ mỗi tuần. Độ tuổi trung bình của nhóm này là 77 tuổi.

Sau khi kiểm tra sức khỏe của tất cả bệnh nhân sau 6 và 12 tháng kể từ khi bắt đầu tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy tình trạng suy giảm trí nhớ ở cả 2 nhóm tập thể dục và không tập thể dục. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm trí nhớ ở nhóm có rèn luyện thể lực diễn ra nhanh hơn.

Theo các chuyên gia, đối với những bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ ở mức độ nhẹ và trung bình, việc tập thể dục chỉ giúp cải thiện vóc dáng chứ không làm chậm tiến trình suy giảm trí nhớ.

Lâu nay, các nhà khoa học tin rằng tập thể dục có thể trì hoãn "sự tấn công" của căn bệnh mất trí nhớ, song lợi ích của việc chăm chỉ vận động trong việc làm chậm các triệu chứng ở những bệnh nhân mất trí vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi.

Theo kết quả của một công trình nghiên cứu trước đó đối với những người trên 65 tuổi ở Anh, những người nghèo hơn thường có nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ cao hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trên thế giới hiện có khoảng 50 triệu người mắc các chứng bệnh liên quan tới suy giảm trí nhớ, trong đó có bệnh Alzheimer - căn bệnh phổ biến nhất với 2/3 số bệnh nhân. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 10 triệu ca mắc mới các bệnh về mất trí nhớ./.