“Ở nước ngoài, người ta coi rác là tài nguyên; còn ở Việt Nam, rác là trở ngại, phải chi rất nhiều tiền để xử lý” - GS-TS Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và quản lý môi trường cho biết.

GS Bá cũng cho biết, ở Đức chỉ có 30-40% rác được chôn lấp, còn lại là tái chế.

Khung cảnh ngập chìm trong rác tại "Thủ phủ rác" - làng Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Ảnh: Loan Lê

PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn - nguyên Hiệu trưởng Đại học Tài Nguyên và Môi trường TPHCM - cho biết, các nước tiên tiến có diện tích rộng vẫn coi chôn lấp là giải pháp chủ yếu như Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Thụy Điển. Những quốc gia và vùng lãnh thổ “thiếu đất” như Nhật Bản, Đài Loan, việc tìm địa điểm chôn lấp rác không dễ dàng nên ngoài những phần có thể tái chế, họ xử lý bằng cách đốt thu hồi nhiệt lượng để tạo ra điện.

Để kích thích việc tái chế, theo PGS Nguyễn Đinh Tuấn, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện cho các sản phẩm tái chế được tiêu thụ: “Ở Nhật Bản có quy định, các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước khi mua giấy vệ sinh phải mua giấy tái chế. Điện sản xuất từ các nhà máy đốt rác được thu mua với giá cao hơn. Phải như vậy, các cơ sở tái chế rác mới có thể thu hồi vốn và có lãi để đầu tư công nghệ mới. Hằng năm, Nhật Bản đều sửa các quy định về xử lý chất thải theo hướng nghiêm ngặt hơn. Các đơn vị xử lý rác thường xuyên mời người dân tới tham quan, uống nước xử lý từ nước rỉ rác để chứng minh họ không làm ảnh hưởng tới người dân xung quanh”.

Theo GS Lê Huy Bá cơ chế khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm tái chế từ rác đang được các nước phát triển áp dụng mạnh mẽ. Nhiều nước thậm chí còn mua rác từ các nước khác về để xử lý.