Nỗi sợ hãi rau chợ phun hoá chất khiến các cư dân đô thị đang tận dụng mọi khoảng đất trống để trồng rau mà quên mất rằng, bản thân rau họ trồng cũng có thể nhiễm độc từ nguồn không khí, đất và nước ô nhiễm.

TS Dương Kim Thoa - Phó trưởng bộ môn rau và cây gia vị, Viện Nghiên cứu rau - quả - cho biết, trong bối cảnh an toàn thực phẩm xuống cấp, nhiều người không tin rau ở chợ và siêu thị nên chủ trương “tự cung tự cấp”.

Ngoài việc trồng rau hộp xốp trong nhà, nhiều người tận dụng các mảnh đất trống - dù chỉ bé bằng tấm thảm chùi chân - ở nơi công cộng như vỉa hè, dải phân cách đường phố… Nhiều khoảnh trồng rau nằm ngay cạnh đống rác hay rãnh thoát nước.

Rau có thể nhiễm độc từ môi trường

PGS-TS Trần Thị Minh Hằng - Phó khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho biết, đất, nước và không khí là các thành phần tự nhiên ảnh hưởng tới chất lượng rau. Bởi thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy chuẩn quốc gia QCVN 03:2008/BTNMT và QCVN 39:2011/BTNMT, trong đó quy định giới hạn tối đa của một số kim loại nặng, vi sinh vật trong đất, giá thể, nước tưới.

Những luống rau được các hộ dân ngõ 107 Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội được trồng ngay cạnh mương nước đen kịt thường xuyên bốc mùi và rác thải xung quanh. Ảnh: Loan Lê

Trong khi đó, những người dân trồng rau ở bất cứ diện tích trống nào họ tìm thấy không thể kiểm soát chất lượng không khí, đất và nước ở đó để biết có đủ tiêu chuẩn canh tác hay không. Chỉ từ điều này đã có thể kết luận, cho dù không phun thuốc, không thể khẳng định rau họ trồng là an toàn.

Đặc biệt theo TS Hằng, rau trồng ở dải phân cách trên các trục đường lớn ẩn chứa nhiều nguy cơ: “Trước đây khi xe cơ giới còn chạy xăng pha chì thì nguy cơ nhiễm độc chì trên rau rất cao, nhất là rau được trồng ở ven quốc lộ, cao gấp nghìn lần so với tiêu chuẩn cho phép. Bây giờ xăng pha chì đã bị cấm, nhưng mật độ xe cơ giới cao sẽ gây ô nhiễm khói bụi và chất lượng rau có thể bị ảnh hưởng”.

Bà Từ Tuyết Nhung - Trưởng ban điều phối nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - cho rằng rau trồng ven đường, quanh khu vực có rác thải, nơi ô nhiễm… không an toàn: “Rau cũng như người, nếu sinh trưởng trong môi trường ô nhiễm thì sản phẩm cuối cùng không thể là cây rau khỏe mạnh”.

TS Thoa lưu ý, nước tưới cũng là một vấn đề đối với những cư dân đô thị tự trồng rau ăn: “Nhiều loại nước máy có hàm lượng clo quá cao, ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển cây, hoặc làm cây chết. Rau trồng thủy canh cũng luôn có hàm lượng nitrat cao hơn bình thường”.

Cần biết lịch sử của đất

Theo TS Hằng, trong 3 thành phần tự nhiên (đất, nước và không khí), đất có ảnh hưởng nhiều nhất tới chất lượng rau và cũng khó kiểm soát nhất: “Nếu nước ô nhiễm thì có thể lấy nguồn nước khác hoặc xử lý trước khi tưới. Về không khí thì có thể xử lý bằng cách trồng cây cách xa khu vực nhiều khí thải, khói bụi hay đường giao thông. Còn đất đã ô nhiễm rồi thì rất khó cải tạo”.

Theo bà để đảm bảo an toàn, trước khi trồng rau ở đâu nên nắm được lịch sử của mảnh đất đó (có bị vứt rác hay đổ hóa chất không) và biết được xung quanh có vùng nào ô nhiễm không. Nếu không đảm bảo thì nên dùng giá thể (đất được trộn các yếu tố dinh dưỡng, đảm bảo phù hợp với nhu cầu của cây) để trồng.

Rau trồng ngay lề đường Vũ Tông Phan, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, xe cộ qua lại khiến bụi và cát bám trên lá rau rất nhiều. Ảnh: Loan Lê

ThS Nguyễn Đắc Hoan - nguyên Trưởng phòng thí nghiệm, phòng phân tích, Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp - nói: “Những mảnh đất ven đường và ở các khu đô thị mà người dân tận dụng trồng rau thường có mức độ ô nhiễm nhẹ. Mặt khác, khi trồng cây xanh, nhân viên đô thị đã đào đất ở dưới lên, mà thành phần đất ở tầng này không thoát nước, không có dinh dưỡng, khi lật lên và trộn với đất phía trên sẽ làm cho giá trị dinh dưỡng kém đi, cho dù không ô nhiễm thì cũng chỉ phù hợp với trồng cây xanh lâu năm chứ không phù hợp trồng rau”.

Quy trình nào an toàn?

PGS-TS Minh Hằng cho biết: “Theo định nghĩa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quy định sản xuất rau an toàn ban hành năm 1996, rau an toàn được hiểu là rau không chứa độc tố, vi sinh vật gây hại cho người với hàm lượng vượt quá ngưỡng cho phép của Tổ chức Y tế thế giới hoặc quy định của cơ quan quản lý của Nhà nước trong bảng tiêu chuẩn. Ví dụ, dư lượng nitrat không được vượt quá 100mg/kg với cà chua hay 250mg/kg với bắp cải. Về kim loại nặng, không được vượt mức 0,001mg thủy ngân/1 lít nước tưới, 0,005mg asen/lít nước tưới. Vi khuẩn E.Coli được phép có mặt nhưng không vượt quá 100 khuẩn lạc/kg rau tươi”.

Để xác định rau có thật sự an toàn hay không thì phải mang mẫu đến phòng thí nghiệm phân tích. Tuy nhiên bà Hằng cho rằng, rau tự trồng sẽ an toàn nếu người dân kiểm soát được các yếu tố đầu vào và quá trình sinh trưởng, phát triển của rau. Nên mua giá thể về cho vào thùng xốp, thậm chí có thể lấy đất ở xung quanh khu nhà ở để trồng nếu biết rõ là đất sạch.

Theo TS Dương Kim Thoa, để trồng rau sạch tại nhà, các hộ gia đình cần có kiến thức nông nghiệp cơ bản nhất như cách gieo trồng, chọn đất, bón phân sao cho đủ liều lượng, chọn phân không có hóa chất. “Nếu bón, tưới không hợp lý thì cây rau sẽ dễ bị tồn dư về dinh dưỡng, hóa chất và chúng có thể chuyển đổi thành chất độc hại cho người sử dụng” - bà Thoa nói.