Đầu tiên là Trung Quốc và tiếp sau là các nước Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam đã đóng sập cánh cửa nhập khẩu rác, chính thức từ chối trở thành bãi rác của thế giới.

Hải quan Indonesia kiểm tra container chứa đầy rác nhập lậu | Ảnh: The Jakarta Post
Hải quan Indonesia kiểm tra container chứa đầy rác nhập lậu vào tháng 6/2019| Ảnh: The Jakarta Post

Trả rác về nguồn

Ngày 9/7/2019, Indonesia đã trả lại 210 tấn rác cho Australia khi hải quan và Bộ Môi trường và Lâm nghiệp của nước này phát hiện ra các container công ty Oceanic Multitrading của Australia chuyển đến (với sự hỗ trợ từ một công ty sở tại) được dán nhãn chứa giấy vụn sạch nhưng chỉ toàn vật liệu độc hại và rác thải gia đình như chai nhựa, bao bì, tã lót đã sử dụng, chất thải điện tử và vỏ lon. Đây là lần thứ hai trong tháng quốc gia này phải tái xuất chất thải bị ô nhiễm. Trong tháng 6/2019, Indonesia đã gửi trả 49 container rác thải về Châu Âu, Mỹ và Australia. Thông báo của Jakarta đã phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của các quốc gia Đông Nam Á, nhiều chính phủ trong khu vực bắt đầu từ chối nhiều lô hàng rác từ nước ngoài.

Tháng 6/2019, Philippines cũng gửi trả 69 container về Canada, chủ yếu chứa rác hỗn tạp và rác thải sinh hoạt mà luật pháp nước này cấm. Hôm 29/6, Reuter đưa tin số rác này đã về đến Vancouver sau cuộc tranh cãi quyết liệt của lãnh đạo hai nước tới mức Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte doạ tuyên chiến và rút các nhà ngoại giao hàng đầu khỏi quốc gia Bắc Mỹ. Quan chức Canada cho biết lượng rác nhập về này sẽ được xử lý theo các quy định về an toàn và sức khỏe của họ.

Hồi tháng 5/2019, Malaysia thông báo đã trả 450 tấn rác thải nhựa chứa trong 10 container cho 7 nước Australia, Bangladesh, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Arab Saudi và Mỹ. Hãng tin AFP cho biết Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Biến đổi khí hậu và Môi trường Malaysia, bà Yeo Bee Yin chỉ trích những quốc gia này chuyển rác tới nước họ, coi đây là hành động "bất công và thiếu văn minh", đồng thời đề nghị người dân ngừng nhập khẩu chất thải trái phép.

Kể từ 2016, số lượng nhựa nhập khẩu vào Malaysia đã tăng gấp ba lần, lên tới mức 870.000 tấn vào năm 2018. Số nhà máy tái chế ở quốc gia tăng lên nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu trên, nhưng nhiều cơ sở trong đó không hề có giấy phép và không chú trọng đến các tiêu chuẩn môi trường. Tháng 10/2018 Malaysia đã tuyên bố cấm nhập khẩu chất thải nhựa không thể tái chế và cho biết sẽ trả lại chất thải nhập khẩu bất hợp pháp về nơi xuất. Thái Lan và Việt Nam mới chỉ ban hành lệnh cấm nhập rác, phế liệu thuộc danh mục độc hại.

Từ năm 2018, Trung Quốc cấm nhập nhiều loại rác thải, kết quả là hàng trăm triệu tấn chất thải từ nước ngoài chuyển hướng sang Đông Nam Á – những quốc gia từ trước đến nay vẫn có chính sách nhập khẩu hàng có thể tái chế được. Động thái này của Trung Quốc gây sức ép môi trường lên một loạt các nước đang phát triển trong khu vực.

Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc xử lý rác thải nhựa của chính mình, chưa nói đến các luồng rác thải được nhập về. Trong ảnh là bãi biển ở Bình Thuận do nhiếp ảnh Lekima Hùng thực hiện năm 2018.
Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc xử lý rác thải nhựa của chính mình, chưa nói đến các luồng rác thải được nhập về. Trong ảnh là bãi biển ở Bình Thuận do nhiếp ảnh Lekima Hùng thực hiện năm 2018.

Báo cáo được công bố ngày 23/4 năm nay của Greenpeace Đông Á cho thấy bối cảnh các nước sau động thái của Trung Quốc. Trong đó nhập khẩu rác thải nhựa của Việt Nam đạt đỉnh điểm 100.000 tấn/tháng vào giữa năm 2017, rồi hạ xuống khoảng 16.000 tấn/tháng vào cuối năm 2018. Xu hướng giảm này có được do tháng 7/2018, chính phủ tuyên bố không cấp mới giấy phép nhập phế liệu vào Việt Nam và tháng 9/2017 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị 27/CT-TTg để dựng hàng rào ngăn rác nhập khẩu vào trong nước.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn còn hàng nghìn container phế liệu các loại (giấy, sắt thép, nhựa) đang tồn đọng ở các cảng biển, bao gồm lô hàng vô chủ và lô hàng chưa làm thủ tục thông quan. Mặc dù các phương án đã được bàn tới nhưng dường như việc xử lý, kể cả tiêu hủy, đấu giá hay tái xuất vẫn đang khá chậm chạp.

Tiếng nói càng ngày càng vang vọng

Ông Tan Chenhin, Hội Bảo vệ môi trường huyện Kuala Langat, Malaysia, đứng cạnh một núi rác cao hơn đầu mình và chỉ ra cánh đồng chứa rác rộng mênh mông: “Ban đêm mùi bốc lên rất khó chịu. Chúng tôi không thể ngủ được vì mùi hăng cứ ở trong mũi. Mọi người đang lo lắng việc những nhà máy này đe dọa đến sức khỏe của chúng tôi”.

Lea Guerrero, Giám đốc quốc gia của tổ chức Greenpeace Đông Nam Á tại Philippines, nói: “Buôn bán chất thải là một hoạt động không thể chấp nhận được. Đây là thực tế tồi tệ mà nhiều quốc gia đặc biệt ở bắc bán cầu đang làm để loại bỏ chất thải mà họ không thể xử lý tại đất nước mình. Vì vậy bất cứ nơi nào diễn ra hoạt động buôn bán chất thải đều vi phạm quyền con người.”

Người dân Philippines biểu tình vào tháng 5/2019 trước cửa ĐSQ Canada ở Manila để buộc nước này nhận lại rác và kêu gọi các nước phát triển khác không xuất khẩu rác sang Đông Nam Á | Ảnh: AP
Người dân Philippines biểu tình vào tháng 5/2019 trước cửa ĐSQ Canada ở Manila để buộc nước này nhận lại rác và kêu gọi các nước phát triển khác không xuất khẩu rác sang Đông Nam Á | Ảnh: AP

Cuối tháng 5/2019, người dân Philippines đã xuống đường biểu tình với những khẩu hiệu “Chúng tôi KHÔNG PHẢI là bãi rác của thế giới”, “Không bao giờ lặp lại: Hãy cấm nhập khẩu chất thải để ngừng ô nhiễm”, “Canada: Hãy mang rác của mình về ngay lập tức”.

Ngày 20/6, những người biểu tình ở Bangkok, Thái Lan đã đổ một bao tải rác nhựa khô trước cửa một tòa nhà của chính phủ và kêu gọi các nhà lãnh đạo các nước Đông Nam Á cấm nhập khẩu rác từ những nước phát triển. Cuộc gặp diễn ra trước thềm một hội nghị của ASEAN trước tình trạng các quốc gia trong đó đang phải vật lộn với số rác khổng lồ - ước tính chiếm tới hơn 1/4 lượng rác thải nhựa trên toàn thế giới.

Không chỉ những người dân các nước bị thiệt hại tỏ ra phẫn nộ, một bộ phận không nhỏ người dân các nước phát triển cũng tỏ ra bất ngờ, phẫn nộ và xấu hổ trước những hàng động này. Một người dân ở Mỹ, chia sẻ trên Youtube khi xem những video về tình trạng rác chở đến Indonesia “Gửi rác đến các quốc gia khác KHÔNG phải là những gì tôi đã trả thuế cho. Dưới tư cách nước Mỹ, tôi rất xin lỗi các bạn”. Một số công dân ở Châu Âu cũng bất ngờ vì những hàng động này, “Chúng tôi không hề biết câu chuyện đang diễn ra như thế. Chúng tôi nghĩ rằng nó được tái chế ở trong nước.”

Không ít người mỉa mai việc phương Tây có những quốc gia được đánh giá là sạch sẽ nhất thế giới và đang hướng tới thông điệp khiến trái đất xanh sạch hơn, đồng thời gửi rác thải của mình đến quốc gia khác một cách bất hợp pháp. Vào tháng 10/2018, khi tổng thống Mỹ Donald Trump kí đạo luật cứu biển “Save Our Seas Act of 2018”, ông đổ lỗi cho châu Á vì đã làm bẩn đại dương trên thế giới và nêu tên Nhật Bản, Trung Quốc, và “rất, rất nhiều quốc gia khác” vứt rác thải nhựa khiến chúng trôi dạt vào bờ biển tây nước Mỹ. “Và chúng ta buộc phải loại bỏ [đống rác đó], thật không công bằng”, Tổng thống Trump đã nói.

Điều mà ông Trump không thừa nhận là chất thải nhựa gây ô nhiễm biển không thể đổ hoàn toàn cho châu Á. Phương Đông và phương Tây đã kết nối chặt chẽ bởi rác thải, các quốc gia giàu có đang bán phế liệu cho châu Á bởi chi phí vận chuyển ra nước ngoài rẻ hơn nhiều so với tự xử lý ở nhà.

Các dòng xuất khẩu rác thải nhựa từ EU, Mỹ và Nhật Bản | Ảnh: Nikkei Asian Review
Các dòng xuất khẩu rác thải nhựa từ EU, Mỹ và Nhật Bản | Ảnh: Nikkei Asian Review

Theo ước tính tổng hợp trên Nikkei Asian Review, từ năm 2009, cứ mỗi 6 tháng, các nước EU, Mỹ và Nhật xuất khẩu 3-3,6 triệu tấn nhựa đã qua sử dụng. Tuy nhiên đến 6 tháng đầu năm 2018, con số này giảm xuống chỉ còn 2,31 triệu tấn và trong 6 tháng cuối năm 2018 chỉ còn 1,7 triệu tấn.

Việc Trung Quốc đi đầu trong việc đóng sập cánh cửa nhập khẩu rác, chính thức từ chối trở thành bãi rác của thế giới cũng đã giúp các nước Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Indonesia có động lực hành động tương tự.

Khi các quốc gia này tạo tiền lệ trả rác thải về các nước phát triển, phong trào sớm muộn cũng sẽ lan tỏa tới chính quyền và người dân ở các quốc gia khác. Một công dân ở Bangalore chia sẻ trên trang facebook cá nhân của mình rằng “Indonesia, các bạn làm rất tốt. Tôi hi vọng quốc gia tôi [Ấn Độ] cũng sẽ nhận ra điều đó”.

Những hành động trên sẽ buộc phương Tây tìm cách tự giải quyết vấn đề của mình. C. Al, một người dân tại California, nhận xét: “Tôi đến từ Mỹ và tôi rất vui vì các quốc gia Đông Nam Á này đang gửi rác trở lại. Có lẽ bây giờ chính phủ nước tôi sẽ nghiêm túc hơn với vấn đề rác thải ngày càng tăng và sẽ phải phát triển các công nghệ mới tái chế hiệu quả, giờ đây họ không thể khiến rác biến mất như trước nữa”.