Hơn 25% số người làm nghề sáng tạo có mang những gene làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder).

Van Gogh tự họa sau khi tự cắt tai mình và gửi cho một cô gái (1889). Ảnh: TheGuardian.
Van Gogh tự họa sau khi tự cắt tai mình và gửi cho một cô gái (1889). Ảnh: TheGuardian.

Đó là kết quả nghiên cứu của Kari Stefansson, nhà sáng lập và là Giám đốc deCODE, một công ty chuyên nghiên cứu di truyền học có trụ sở tại Reykjavik (thủ đô Iceland) trong một công bố về kết quả nghiên cứu mối quan hệ giữa một số bệnh thần kinh với khả năng sáng tạo của con người trên Tạp chí Nature Neuroscience.

Người Hy Lạp cổ đại đầu tiên đề cập quan điểm này. Shakespeare cũng từng nói về vấn đề đó. Nhưng có thể lời lẽ của nhà thơ lãng mạn người Anh Lord Byron thẳng thừng hơn: “Nghề nghiệp của chúng ta đều điên rồ cả” – ông tâm sự với nữ bá tước Blessington, nhà thơ đồng hương của mình.

“Thông thường, khi sáng tạo mới một cái gì đấy, cuối cùng người sáng tạo ở vào giữa hai trạng thái tỉnh táo và điên rồ,” Stefansson nói. “Tôi cho rằng kết quả ấy ủng hộ quan điểm cũ về thiên tài điên rồ (the mad genius). Sáng tạo là một phẩm chất đem lại cho chúng ta những người như Mozart, Bach, Van Gogh. Phẩm chất đó rất quan trọng đối với xã hội. Tuy thế nó kèm theo sự rủi ro đối với các cá nhân và 1% số người phải trả giá cho sự sáng tạo.”

Dự án nghiên cứu do công ty deCODE tiến hành đã phân tích gene của 86.000 người Iceland nhằm tìm các biến thể di truyền (genetic variants) làm tăng gấp đôi nguy cơ trung bình mắc bệnh tâm thần phân liệt, và làm tăng hơn một phần ba nguy cơ rối loạn lưỡng cực.

Kết quả phân tích cho thấy yếu tố di truyền làm tăng nguy cơ rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt được tìm thấy thường xuyên hơn ở người làm những ngành nghề sáng tạo (creative professions). Tính trung bình, các họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn và vũ công có biến dị di truyền nhiều hơn 25% so với người làm những ngành nghề được các nhà khoa học đánh giá là ít sáng tạo, – trong số đó có nông dân, người lao động chân tay và nhân viên bán hàng. Những nghệ sĩ là thành viên các hội nghệ thuật quốc gia có biến thể di truyền nhiều hơn 17% so với những nghệ sĩ không phải là thành viên các hội này.

“Để sáng tạo, bạn phải suy nghĩ khác người,” Stefansson nói với tờ Guardian. “Và khi đã khác người, chúng ta có xu hướng bị thiên hạ gọi là loại người kỳ quặc, điên rồ, thậm chí mất trí.”

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích cơ sở dữ liệu y tế lớn hiện có ở Hà Lan và Thụy Điển nhằm kiểm chứng phát hiện nói trên của họ. Trong số đó có dữ liệu của khoảng 35.000 người được coi là làm công việc có tính sáng tạo (theo nghề nghiệp hoặc thông qua trả lời câu hỏi); khoảng 25% số người này có nhiều khả năng mắc các biến chứng rối loạn tâm thần.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học khác vẫn đang nghi ngờ rằng các kết quả đó. Albert Rothenberg, giáo sư tâm thần học tại Đại học Harvard lại không tán thành quan điểm trên. Ông tin rằng chưa có chứng cứ đầy đủ chứng minh mối liên hệ giữa bệnh tâm thần và sự sáng tạo. “Đó là khái niệm lãng mạn ở thế kỷ XIX, cho rằng các nghệ sĩ là những nhà tranh đấu tách khỏi xã hội và vật lộn với ma quỷ trong nội tâm mình,” ông nói. “Như Van Gogh, ông đúng là nhà sáng tạo mắc bệnh tâm thần. Đối với tôi, đảo ngược lại mới thú vị hơn: những người sáng tạo nói chung không mắc bệnh tâm thần, nhưng họ sử dụng quá trình suy nghĩ tất nhiên là sáng tạo và khác người “.