Startup Rani Therapeutics ở Thung lũng Silicon đang nghiên cứu một loại thuốc “viên nang robot” có thể thay thế cho thuốc tiêm. Loại thuốc này đã được thử nghiệm ở người.

Ảnh: CNN.
Thuốc robot thay thế cho tiêm. Ảnh: CNN.

Liệu có thể dùng thuốc viên để thay thế cho thuốc tiêm đối với người bệnh mà không sợ hiệu quả của thuốc bị giảm đi?

Từ nhiều thập niên gần đây, các nhà nghiên cứu đã tìm cách tạo nên những loại dược phẩm sinh học để làm ra loại thuốc này. Trong đó có thể kể đến Hormone như Insulin. Khác với các loại thuốc thông thường, thí dụ thuốc viên Aspirin, người ta có thể nuốt viên thuốc một cách đơn giản. Với Insulin thì không thể uống đơn giản như vậy được vì thuốc sẽ bị tiêu hóa trước khi phát huy tác dụng làm giảm lượng đường trong máu. Vì thế người ta buộc phải tiêm thuốc thẳng vào cơ thể, điều này gây đau đớn và khó chịu đối với người bệnh.

Startup Rani Therapeutics ở Silicon Valley tìm cách đóng gói loại thuốc kiểu này trong một viên nang không những có thể chống chịu các loại axit và Enzym trong đường ruột mà còn có thể kích hoạt đúng hướng. Doanh nghiệp này đã huy động được 142 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm này từ các nhà đầu tư như Google, tập đoàn dược phẩm Novartis và Astra Zeneca.

“Viên nang robot” Rani Therapeutics được phủ một lớp bao bọc đặc biệt. Sau khi người bệnh nuốt, lớp phủ bị hòa tan trong hệ thống tiêu hóa và sẽ có một phản ứng hóa học thổi phồng một bong bóng nhỏ và đẩy kim nhọn đưa thuốc vào thành ruột. Do thành ruột không có thụ thể đau nên bệnh nhân không có cảm giác đau đớn. Thông thường sau vài ba ngày viên nang sẽ bị bài tiết.

Nhà sáng lập Rani Therapeutics, Mir Imran cho rằng, ông đã tiến gần đến “chén thánh” trong nghiên cứu loại dược phẩm này – chí ít là đã thành công trong nghiên cứu cơ chế và khả năng tương thích của viên nang.

Thuốc đã được thử nghiệm hiệu quả trên động vật. Đến nay, cũng đã có 20 người tham gia thí nghiệm đã nuốt viên nang robot này sau khi nhịn đói. Viên nang dẫn thuốc, thuốc được hòa tan trong ruột rỗng còn các phần còn lại của viên nang sẽ bị đào thải bình thường. Theo Imran việc uống thuốc sau ăn hoặc khi bụng rỗng không ảnh hưởng gì đến quá trình hấp thụ thuốc và những người tham gia thí nghiệm hoàn toàn không cảm nhận có khác biệt gì khi uống viên nang này so với thuốc thông thường.

Bước tiếp theo, sẽ thực hiện ngay trong năm nay, là nghiên cứu đưa các loại thuốc vào viên nang để gắn vào thành ruột. Sau đó, startup này cũng phải mất vài ba năm để chờ cơ quan chức năng công nhận phương pháp này. Việc cấp phép sẽ phải căn cứ vào từng loại thuốc riêng biệt khi đưa vào viên nang.

Tuy nhiên loại viên nang này dù sao cũng không thể thay thế hoàn toàn phương pháp tiêm thuốc vào cơ thể, viên nang không thể chứa một lượng thuốc lớn được. Viên nang chủ yếu chỉ dùng cho những người bị bệnh mãn tính thường xuyên phải đưa vào cơ thể một lượng thuốc không lớn.