TS. Cường khuyến cáo, người mắc SXH tuyệt đối không dùng thuốc aspirin và ibuprofen, vì 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn.

Bệnh viện quá tải với bệnh nhân SXH

Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 31/7,địa phương này đã có hơn 8.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) trong đó có 4 trường hợp tử vong. Bệnh có diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại nên tại các bệnh viện có khoa truyền nhiễm đều đang trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn tự chữa với những sai lầm đáng tiếc.

Quá tải

Tính đến thời điểm này, tại các bệnh viện tuyến Trung ương như Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện E và các bệnh viện có khoa truyền nhiễm ở Hà Nội đều đang quá tải người bệnh SXH. Tình trạng nằm ghép khá phổ biến ở các bệnh viện này, thậm chí bệnh nhân còn phải nằm tràn ra cả hành lang bệnh viện.

Hiện nay, Sở Y tế đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra và phối hợp phòng chống dịch bệnh tại các quận huyện. Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, để giảm bớt áp lực cho các bệnh viện đang quá tải bệnh nhân, Sở Y tế Hà Nội hôm nay (2/8) họp với khối y tế ngoài công lập để chọn các phòng khám có đủ trang thiết bị, nhân lực, đáp ứng điều kiện về danh mục kỹ thuật là chẩn đoán, điều trị ban đầu cho người bệnh SXH tham gia tiếp nhận bệnh nhân. Các phòng khám này cùng với các phòng khám đa khoa khu vực của trung tâm y tế quận huyện sẽ là điểm tiếp nhận ban đầu, trong đó các phòng khám được chọn sẽ treo biển hướng dẫn nơi tiếp nhận, chẩn đoán, xử trí bệnh nhân SXH.

Sai lầm hay gặp

Trong khi các bác sĩ phải gồng mình cứu chữa bệnh nhân tiếp tục gia tăng với nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng thì những ca bệnh bị suy thận và tổn thương gan do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những sai lầm trong điều trị căn bệnh này.

BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, do bệnh nhân SXH thường sốt cao 39-40 độ C nên người nhà luôn tìm cách giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bệnh này sốt do virus nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục tăng cao. Do đó, “người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em. Để giảm sốt, người nhà nên cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm”.

TS. Cường khuyến cáo, người mắc SXH tuyệt đối không dùng thuốc aspirin và ibuprofen, vì 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Và chỉ nên dùng thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol, tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ.

Ngoài ra, mọi người thường nghĩ truyền dịch, bù dịch sẽ giúp cơ thể đỡ mệt mỏi, cắt cơn sốt nhưng trên thực tế, TS. Cường nhấn mạnh, tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị SXH vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng. Truyền dịch cho bệnh nhân SXH cần theo đúng phác đồ y tế, nếu truyền dịch đường uống giai đoạn đầu của bệnh cũng cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Một số trường hợp truyền dịch không phù hợp, truyền đạm, truyền dung dịch cao phân tử ngay từ những ngày đầu đều không cần thiết và có thể làm bệnh nặng lên.

Trong khi đó, rất nhiều người cứ thấy sốt là tự ý mua kháng sinh sử dụng nhưng với với bệnh SXH do virus gây ra, dùng kháng sinh không khỏi bệnh. Bên cạnh đó việc sử dụng corticoid cũng không được khuyến cáo sử dụng.


Người mắc SXH cũng không nên kiêng tắm, kiêng ăn như nhiều nghĩ, thay vào đó, người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch. Không nên áp dụng các bài thuốc lá, thuốc nam truyền miệng không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh.