Người được ghép phổi phải tuyệt đối không có bệnh lý cấp tính, bệnh lao đáp ứng kém với điều trị, nhiễm khuẩn huyết, ung thư; không nghiện thuốc lá, nghiện rượu, rối loạn chức năng các cơ quan quan trọng (tim, gan, thận)...

Trả lời thắc mắc của độc giả Nguyễn Tuấn Anh (Nam Định) về các điều kiện và kỹ thuật ghép phổi từ người cho sống sau khi đọc chuyên đề về công nghệ ghép tạng trên Khoa học và Phát triển số 935, Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Hoàng Mạnh An - Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam - cho biết: Người được ghép phổi phải tuyệt đối không có bệnh lý cấp tính, bệnh lao đáp ứng kém với điều trị, nhiễm khuẩn huyết, ung thư; không nghiện thuốc lá, nghiện rượu, rối loạn chức năng các cơ quan quan trọng (tim, gan, thận)...

Phẫu thuật này có chống chỉ định tương đối với người có bệnh lý tim mạch, trào ngược dạ dày - tá tràng, nhiễm khuẩn... Người cho phải ở độ tuổi từ 20-60, phù hợp về nhóm máu với người nhận hoặc có quan hệ họ hàng thế hệ thứ ba, hoặc là vợ - chồng; không có tiền sử bệnh lý trầm trọng, không nhiễm virus; kết quả điện tim, siêu âm tim, X-quang và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực không có dấu hiệu bất thường; không có tiền sử phẫu thuật lồng ngực cùng bên cho phổi, không hút thuốc hay rối loạn tâm thần.

Để chuẩn bị phẫu thuật, người nhận và người hiến được khám lâm sàng, xét nghiệm đánh giá chức năng các cơ quan, chụp X-quang và cắt lớp vi tính lồng ngực, xét nghiệm về phù hợp nhóm máu, miễn dịch, sàng lọc bệnh nhiễm trùng, tư vấn tâm lý, điều trị dinh dưỡng và liệu pháp hô hấp.

Một ca ghép phổi tại Bệnh viện Trường Đại học Okayama, Nhật Bản. Ảnh: The Japan Times

Một yếu tố quan trọng là đánh giá sự phù hợp về kích cỡ giải phẫu và chức năng mảnh ghép của người cho với người nhận. Mảnh ghép lớn sẽ gây tăng sức cản đường thở, xẹp phổi, huyết động không ổn định. Mảnh ghép nhỏ gây tăng áp lực động mạch phổi, phù phổi, khoảng chết trong khoang lồng ngực lớn (gây chảy máu, rò khí, rối loạn chức năng mảnh ghép). Bác sỹ đánh giá sự phù hợp về kích cỡ dựa trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực đa dãy, dựng hình 3D và ước tính thể tích phổi. Tỷ lệ thể tích giữa thùy dưới người cho/khoang lồng ngực của người nhận từ 40-160% là chấp nhận được.

Có 2 kỹ thuật chính để ghép phổi, trong đó kỹ thuật ghép một thùy phổi có nguy cơ biến chứng (nhiễm trùng, thải ghép) cao. Kỹ thuật ghép 2 thùy phổi từ 2 người cho sống cải thiện chức năng phổi tốt hơn, nguy cơ nhiễm trùng thấp nên được chú trọng phát triển và trở thành kỹ thuật phổ biến hiện nay.

Sau khi ghép, ở giai đoạn hồi sức, bệnh nhân cần được kiểm soát thông khí, kiểm soát huyết động và trao đổi khí, theo dõi và xử trí các tai biến, biến chứng. Ở giai đoạn sau, bệnh nhân được điều trị ức chế miễn dịch, kiểm soát và điều trị các biến chứng lâu dài sau nhiễm trùng, thải ghép, hẹp đường thở...

PGS An cho biết, ca ghép phổi đầu tiên trên thế giới diễn ra năm 1963. Ca ghép một thùy phổi từ người cho sống đầu tiên được thực hiện năm 1990; bệnh nhân là một em bé 1 tuổi bị dị sản phối - phế quản bẩm sinh.