Bất chấp tình hình đầu tư ảm đạm ở Đông Nam Á, vốn đầu tư vào các startup FinTech của Việt Nam lại tăng mạnh so với quý trước.

GIMO – startup fintech cung cấp giải pháp nhận lương linh hoạt cho người lao động có thu nhập vừa và thấp tại Việt Nam, vừa hoàn tất Vòng gọi vốn Series A, với tổng cộng 17,1 triệu USD vốn cổ phần và vốn vay.
Tháng Bảy vừa qua, GIMO – startup cung cấp giải pháp nhận lương linh hoạt cho người lao động có thu nhập vừa và thấp tại Việt Nam, vừa hoàn tất Vòng gọi vốn Series A, với tổng cộng 17,1 triệu USD vốn cổ phần và vốn vay. Ảnh: BCCS

Nền tảng theo dõi dữ liệu Tracxn mới đây cho biết tổng vốn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp FinTech ở Đông Nam Á đã giảm 74% xuống còn 229 triệu USD trong quý 3 năm 2023, thấp nhất kể từ năm 2020.

Trong “Báo cáo quý theo khu vực: FinTech SEA - Quý 3 năm 2023”, Tracxn lý giải số tiền tài trợ giảm bởi tình hình thị trường đầu tư không ổn định. Có thể kể đến một số yếu tố tiêu cực khiến các nhà đầu tư e ngại như lãi suất tăng, nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất giảm, El Niño khởi phát sớm ảnh hưởng đến nông nghiệp v.v.

Bất chấp tình hình chung của Đông Nam Á, theo Tracxn, tổng vốn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp FinTech ở Việt Nam trong quý 3 năm nay là 29 triệu USD, tăng 190% so với 10,4 triệu USD trong quý 3 năm 2022.

Khoản tài trợ này cũng là một bước nhảy vọt tăng 2.800% so với 1,1 triệu USD huy động được trong quý 2 năm 2023.

Hệ sinh thái khởi nghiệp FinTech của Việt Nam đã trải qua mùa đông gọi vốn - tình trạng chung trên toàn thế giới, khi chỉ nhận được 35 triệu USD tài trợ từ đầu năm đến nay, giảm 84% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các startup FinTech Việt chỉ thu hút các khoản đầu tư giai đoạn đầu (series A) và giai đoạn hạt giống (seed). Cụ thể, tổng cộng các khoản đầu tư giai đoạn đầu trị giá 28 triệu USD và khoản đầu tư giai đoạn hạt giống đạt mức 1,1 triệu USD. Các chuyên gia không ghi nhận vòng gọi vốn giai đoạn sau nào được tổ chức trong quý 3 năm 2023.

Cho vay thay thế, công nghệ ngân hàng và công nghệ bảo hiểm là những phân khúc có hiệu quả hoạt động cao nhất trong toàn bộ lĩnh vực FinTech của Việt Nam trong quý 3 năm 2023.

Cho vay thay thế bao gồm các mô hình cho vay, đầu tư và phi đầu tư khác nhau, cho phép các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức khác huy động vốn thông qua thị trường trực tuyến. Các công ty làm việc trong lĩnh vực cho vay thay thế đã huy động được 12 triệu USD trong quý 3 năm 2023.

Không có công ty nào trong lĩnh vực FinTech của Việt Nam lên sàn trong quý 3 năm 2023 và không có kỳ lân mới nào xuất hiện. Chỉ có một vụ mua lại diễn ra vào này.

Trong số các thành phố, các công ty Fintech có trụ sở tại Hồ Chí Minh đã huy động được 17,1 triệu USD, trong khi các công ty ở Hà Nội huy động được 12 triệu USD.

Y Combinator, Thinkzone và Resolve Ventures là những nhà đầu tư tích cực nhất trong lĩnh vực này. Họ là những nhà đầu tư hàng đầu trong các vòng giai đoạn hạt giống; trong khi Peak XV Partners, JAFCO Asia và Patamar Capital là những nhà đầu tư hàng đầu trong các vòng giai đoạn đầu của lĩnh vực này.

“Bất chấp những thách thức, chúng ta vẫn có thể lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của khu vực, nhờ các yếu tố như dân số trẻ, lượng người tiêu dùng lớn, sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính và thương mại phi chính thức của chính phủ”, Tracxn nhận định về tình hình chung của bức tranh khởi nghiệp trong lĩnh vực FinTech ở Đông Nam Á.