Cụ thể, VINIF đã tài trợ hơn 100 dự án khoa học, công nghệ và văn hóa, lịch sử; cấp 1.200 suất học bổng; hỗ trợ 2.500 nhà khoa học…, góp phần thay đổi chính sách liên quan đến hoạt động tài trợ, hỗ trợ khoa học hiện hành tại Việt Nam.

GS Vũ Hà Văn
GS Vũ Hà Văn tại hội thảo “Dấu ấn 5 năm hoạt động” do Quỹ VINIF tổ chức trông hai ngày 26 và 27/7/2023 Ảnh: daibieunhandan

"Cách đây năm năm, tôi gặp anh Phạm Nhật Vượng [Chủ tịch Tập đoàn Vingroup] và nói về việc Vingroup nên thành lập một quỹ hỗ trợ nghiên cứu. Quỹ sẽ chủ động tài trợ cho các nhà khoa học có dự án sáng tạo, đặc biệt là những người trẻ ở trong nước hoặc từ nước ngoài về," GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF, nhớ lại những kỷ niệm đầu tiên trên hành trình thành lập Quỹ.

Sau lần gặp đó, tháng 8/2018, Quỹ VINIF chính thức được thành lập, và đến tháng 12 cùng năm thì bắt đầu nhận các dự án tài trợ đầu tiên. Với GS Vũ Hà Văn, việc thành lập Quỹ là một bước tiến nhằm "nâng cao chất lượng và văn hóa nghiên cứu khoa học tại Việt Nam - điều mà nhiều người đã trăn trở từ lâu", ông chia sẻ tại hội thảo “Dấu ấn 5 năm hoạt động” sáng 26/7.

Với mục tiêu hỗ trợ các nhà khoa học trẻ thuộc các trường đại học, học viện thực hiện nghiên KH, CN và đổi mới sáng tạo, sau 5 năm, VINIF đã triển khai 7 chương trình tài trợ, từ cấp kinh phí cho các dự án nghiên cứu, cấp học bổng thạc sĩ cho đến hậu tiến sĩ, lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, cho đến các hội thảo, bài giảng đại chúng.

"Tổng kinh phí Quỹ đã tài trợ đến nay lên tới gần 800 tỷ đồng", PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành Quỹ VINIF, cho biết.

Cụ thể, trong lĩnh vực KH&CN, Quỹ đã tài trợ cho hơn 100 dự án, 6 đề án đào tạo thạc sĩ liên kết; và cấp hơn 1.100 suất học bổng thạc sĩ, tiến sĩ và 90 suất học bổng sau tiến sĩ.

Ở lĩnh vực Văn hóa - Lịch sử, Quỹ đã tài trợ 8 dự án cùng 30 sự kiện.

Ngoài ra, VINIF cũng liên tục tổ chức và triển khai 130 hội thảo KH&CN uy tín, các bài giảng đại chúng với khách mời thuyết trình là các giáo sư hàng đầu thế giới và trong nước.

Kết quả, các dự án, đề án, suất học bổng do VINIF tài trợ đã tạo ra hàng ngàn công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín; gần 400 sản phẩm; hơn 70 phát minh, sáng chế; gần 20 doanh nghiệp startup, spin-off.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm gì trong tương lai? Câu hỏi này phụ thuộc một phần rất lớn vào chính các nhà khoa học", GS. Vũ Hà Văn chia sẻ về định hướng sắp tới. "Các nhà khoa học có trách nhiệm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa để hình thành nhận thức đúng đắn về nghiên cứu khoa học và vai trò của nghiên cứu khoa học trong xã hội. Quỹ VINIF sẽ luôn đồng hành với các nhà khoa học Việt Nam trên con đường này".

d
Tháng 2/2020, Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VINBDI đã ký kết tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus (COVID-19). Ảnh: Vingroup

Thúc đẩy hoạt động tài trợ

Các chương trình của VINIF không chỉ góp phần làm đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho KH&CN Việt Nam mà còn tác động tích cực đối với hoạt động tài trợ, hỗ trợ khoa học hiện hành.

ĐH Quốc gia Hà Nội là một trong những trường hợp điển hình. Đây là đơn vị nhận được hỗ trợ nhiều nhất từ Quỹ VINIF với 10 dự án, tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng trong vòng 3 năm qua.

"Nhờ có nguồn hỗ trợ này, chúng tôi đã mạnh dạn ban hành Quy định về việc hỗ trợ học bổng lên đến 100 triệu/năm cho các nghiên cứu sinh và 120 triệu/năm cho các tiến sĩ trẻ có năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế xuất sắc", GS.TS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết.

Nhìn từ góc độ người làm quản lý, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận thấy cách một chương trình tài trợ khoa học ở một quỹ tư nhân có thể đem lại tác động tích cực đối với hoạt động tài trợ, hỗ trợ hiện hành của các quỹ nhà nước. Theo ông, hiện nay các trường đại học và các bộ đang muốn xây dựng các quy chế để hỗ trợ các tài năng trẻ. Họ đã có kinh phí, nhưng vẫn còn đang cân nhắc cách xây dựng một cơ chế hiệu quả. "Chính các chương trình của Quỹ VINIF, với các quy chế rất khoa học, bài bản và có hiệu quả thực tế là một ví dụ để các cơ quan nhà nước tham khảo và qua đó thấy rằng nếu chúng ta muốn làm thật, thì chúng ta có thể làm. Đây cũng là một cách để thúc đẩy các cơ quan nhà nước xây dựng các quy chế của mình để thực sự hỗ trợ cho các tài năng trẻ của đất nước", PGS. Hải nhận định.

Ngoài ra, cách VINIF tài trợ cho các dự án cũng góp phần làm thay đổi cơ chế, cách xét chọn, đánh giá các đề tài theo hướng có chất lượng, tinh gọn. PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhận định, các tác động tích cực này không những ảnh hưởng tới Đại học Bách khoa Hà Nội mà còn tới cộng đồng khoa học, các cơ quan quản lý trong nước.

Đó là những điều mà GS Vũ Hà Văn xem như phần thưởng lớn nhất cho VINIF trong 5 năm qua. "Các chương trình tài trợ của chúng tôi đã thu hút được sự tin tưởng từ các nhà khoa học, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, cao hơn nữa là sự theo dõi sát sao từ các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là tiền đề để tạo ra những bước ngoặt lớn hơn trong việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học tại Việt Nam", ông nói.