Với cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp được tích hợp từ nhiều nguồn, nền tảng IPPLATFORM là công cụ hữu hiệu phục vụ quản lý nhà nước và các dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Diễn ra ngày 10/4 tại Hà Nội, hội thảo “Thúc đẩy khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp” - do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI - Bộ KH&CN) tổ chức - tập huấn cho các Sở KH&CN về cách sử dụng nền tảng IPPLATFORM. Đây là nền tảng cung cấp dữ liệu và dịch vụ về sở hữu công nghiệp do VIPRI phát triển trong khuôn khổ Chương trình Phát triển thị trường KH&CN (Chương trình 2075), bắt đầu vận hành chính thức từ tháng 5/2020.

Đại diện nhiều Sở KH&CN đã tham dự buổi tập huấn. Ảnh: TA

Thông tin sở hữu công nghiệp là thông tin về các đối tượng sở hữu công nghiệp (sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,...), bao gồm đơn đăng ký (người nộp, ngày nộp, tác giả, đối tượng đăng ký,...); kết quả xử lý đơn (quyết định tiếp nhận/công bố/thẩm định đơn,...); và thông tin về văn bằng bảo hộ (chủ văn bằng, thời hạn hiệu lực, chuyển nhượng,...).

Những thông tin này không chỉ cần thiết cho hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ mà còn giúp các viện, trường, doanh nghiệp xác định hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ,... sao cho phù hợp, tránh trùng lặp với các đối tượng đi trước. Ngoài ra, “đây cũng là nguồn dữ liệu cần thiết với quá trình thương mại hóa tài sản trí tuệ, chẳng hạn phục vụ việc đánh giá khả năng khai thác hợp pháp, khả năng chuyển giao”, ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng VIPRI, nhận xét trong hội nghị.

Mặc dù Việt Nam đã có một số cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp song nhận thấy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng, VIPRI đã đề xuất và triển khai xây dựng nền tảng IPPLATFORM. Với mục tiêu hỗ trợ tra cứu thông tin và thương mại hóa tài sản trí tuệ, nền tảng này được xây dựng dựa trên nhiều nguồn dữ liệu (Cục Sở hữu trí tuệ công bố, người dùng cập nhật,...) và các module chức năng tra cứu, cập nhật thông tin và sàn giao dịch.

Để triển khai ứng dụng thực tế, VIPRI đã giới thiệu và đặt trạm IPPLATFORM ở một số Sở KH&CN, viện, trường,... để hỗ trợ khai thác nền tảng này. Tính đến năm 2020, đã có 13 trạm IPPLATFORM được đặt ở các địa phương. “IPPLATFORM vận hành tốt trên nền tảng web và thu hút sự chú ý của người dùng. "Người dùng không chỉ ở Việt Nam mà còn đến từ nhiều quốc gia khác như Mỹ, Nhật, Trung Quốc,...”, theo báo cáo của VIPRI .

“Thông tin sở hữu công nghiệp tuy không trực tiếp sinh ra của cải vật chất nhưng có vai trò rất quan trọng với mỗi quốc gia”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá. Do vậy, việc ứng dụng nền tảng này là “một chấm góp vào quá trình phát triển cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp nói riêng và lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung”.

Trước những tính năng thu hút của nền tảng này, đại diện một số đơn vị như Sở KH&CN Hải Phòng, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Phú Yên, Sóc Trăng, Sơn La đã ký kết thỏa thuận hợp tác về SHTT với VIPRI để triển khai ứng dụng thông qua việc đặt trạm IPPLATFORM.

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu trong thực tế về quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp nên cũng muốn ứng dụng”, ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng, cho biết. Tuy nhiên, do hiện nay có một số nền tảng cũng có chức năng sàn giao dịch kết nối cung cầu tương tự, ông đề xuất “nếu có gì bổ sung được cho nhau thì các bên nên phối hợp để tiết kiệm nguồn lực hơn”.