Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Úc không chỉ đóng vai trò tham vấn chính sách KH&CN, đổi mới sáng tạo; mà còn giúp xây dựng cơ chế chính sách về điều kiện làm việc, đãi ngộ đội ngũ trí thức khoa học… cho Chính phủ Việt Nam.

f
Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt gặp mặt Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Úc (VASEA), Sydney, 17/9/2023. Ảnh: Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN

Ngày 17/9, tại Sydney, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã có cuộc gặp mặt Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Úc (VASEA). Cuộc gặp nằm trong khuôn khổ chuyến thăm Úc của đoàn công tác Bộ KH&CN tham dự Hội nghị toàn cầu về khởi nghiệp - Global Entrepreneurship Congress 2023 (GEC).

Tại đây, GS. Nghiêm Đức Long, Chủ tịch VASEA, đã chia sẻ về những hoạt động hợp tác của các thành viên trong Hội với Việt Nam, trong đó có các nghiên cứu về công nghệ sau thu hoạch; công nghệ tách chiết và ứng dụng các hợp chất sinh học từ thiên nhiên; công nghệ NANO; công nghệ màng lọc xử lý nước; công nghệ loại bỏ vi nhựa; hay nghiên cứu xây dựng bộ quy chuẩn kết cấu, quy trình thống kê phát thải carbon trong các sản phẩm…

Đặc biệt, gần đây, các thành viên VASEA đã góp sức chuyển giao cho Việt Nam một số dự án và công nghệ như ứng dụng internet vạn vật và cảm biến thông minh để theo dõi chất lượng nước biển ven bờ cho nuôi trồng thủy sản tại vịnh Xuân Đài Phú Yên; mắt thần theo dõi và hỗ trợ phát triển cây mía đường; cảm biến từ xa để đối phó với lũ lụt; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.

Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết buổi gặp mặt là cơ hội trao đổi cũng như biểu dương những đóng góp của các trí thức, nhà khoa học và chuyên gia người Việt hiện đang sinh sống, làm việc tại Úc thời gian qua. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu hiện nay, đội ngũ các nhà trí thức khoa học công nghệ Việt Nam đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Ông bày tỏ mong muốn, với vai trò là tổ chức đại diện cho trí thức, chuyên gia KH&CN Việt Nam tại Úc, VASEA và các thành viên sẽ tiếp tục phát huy vai trò tham vấn chính sách KH&CN, đổi mới sáng tạo; cơ chế chính sách về điều kiện làm việc, đãi ngộ đội ngũ trí thức khoa học… cho Chính phủ; tăng cường kết nối với các nhà khoa học ở nước ngoài. “Tôi tin tưởng rằng VASEA sẽ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, kết nối cộng đồng trí thức và chuyên gia người Việt tại Úc, là nòng cốt trong tổ chức các hoạt động hợp tác khoa học, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với trong nước,” Bộ trưởng nói.

Là người đã thúc đẩy việc hình thành Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Úc, Tổng lãnh sự Việt Nam tại bang New South Wales, bang Nam Australia và bang Queensland, Nguyễn Đăng Thắng, cho biết đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt tại Úc vẫn còn rất nhiều nguồn lực tiềm năng để khai tác. Ông cũng đề xuất tăng cường thông tin về các nhu cầu phát triển của đất nước đến các nhà khoa học người Việt đang làm việc tại Úc thông qua Văn phòng Khoa học - Công nghệ tại Canberra và Sydney.

Được biệt, VASEA là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập trên cơ sở hợp nhất các câu lạc bộ trí thức Việt Nam từ các tiểu bang và vùng lãnh thổ Úc. Các câu lạc bộ này được thành lập từ năm 2018, khi Úc và Việt Nam ký kết hợp tác chiến lược, nhưng chưa được đăng ký chính thức. Sau khi hợp nhất hoàn tất, VASEA đã có lễ ra mắt chính thức vào ngày 10/8 năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Úc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Các nhà khoa học Việt Nam tại Úc tiêu biểu có thể kể đến GS. Nghiêm Đức Long - Chủ tịch Hiệp hội VASEA; TS. Huyền Vương - Tổng thư ký của Hiệp hội VASEA; GS. Ngô Đức Tuấn - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chuyển đổi Tòa nhà trị giá 130 triệu USD để chuyển đổi ngành xây dựng ở Úc; GS. Đào Việt Dũng - Giám đốc Chương trình Kỹ thuật Cơ điện tử tại Đại học Griffith, người đã góp phần xây dựng cơ sở nghiên cứu MEMS (Micro ElectroMechanical Systems) đầu tiên của Việt Nam vào năm 2005 tại ĐH Bách khoa Hà Nội và lãnh đạo việc chuyển giao thành công công nghệ mạng cảm biến tiên tiến cho Khu Công nghệ cao Sài Gòn năm 2022; PGS. Chu Hoàng Long, nhà kinh tế học chuyên về phân tích định lượng tại Đại học Quốc gia Úc (ANU); TS. Minh Bùi, người vừa nhận Giải thưởng Eureka về Phần mềm Nghiên cứu Xuất sắc năm 2023 cho phần mềm gen tên IQ-Tree 2...