Công ty cho biết dự định sử dụng số tiền tài trợ vào việc củng cố đội ngũ bán hàng, phát triển danh mục sản phẩm và thương hiệu riêng, đồng thời mở rộng mạng lưới kho hàng của mình.

Đội ngũ quản lý Kamereo. Ảnh: Kamereo
Đội ngũ quản lý Kamereo. Ảnh: Kamereo

Nền tảng phân phối thực phẩm từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B) có trụ sở tại Việt Nam Kamereo mới đây đã huy động được 2,1 triệu USD tài trợ cho vòng tiền Series B. Vòng này có sự tham gia của các nhà đầu tư như Reazon Holdings, Inc., Quest Ventures và Thoru Yamamoto, Giám đốc điều hành của FOODISON - công ty chuỗi cung ứng thủy sản B2B niêm yết tại Nhật Bản.

Với vòng cấp vốn mới, tổng số tiền tài trợ tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới 7,2 triệu USD. Công ty cho biết dự định sử dụng số tiền tài trợ vào việc củng cố đội ngũ bán hàng, phát triển danh mục sản phẩm và thương hiệu riêng, đồng thời mở rộng mạng lưới kho hàng của mình.

Trước khi thành lập Kamereo vào tháng 7/2019, Taku Tanaka là Giám đốc điều hành của Pizza 4Ps – khởi đầu là một nhà hàng tại TPHCM và sau ba năm từ khi anh gia nhập, họ đã có 10 cửa hàng (hiện tại Pizza 4Ps có 39 địa điểm tại Việt Nam).

Trong thời gian làm Giám đốc điều hành ở đó, Tanaka nhận thấy các nhà hàng gặp khó khăn trong việc kết nối với người nông dân. Nhiều doanh nghiệp F&B nhỏ không thể mua hàng với số lượng lớn, vì vậy họ phải dựa vào các chợ lân cận hoặc những nhà cung cấp chỉ bán một mặt hàng. Ngược lại, người nông dân cũng không thể kết nối với đối tượng khách hàng cuối cùng mua sản phẩm của họ, khiến họ khó dự đoán giá bán hoặc lập kế hoạch trồng trọt. Tanaka đã thành lập Kamereo, nền tảng B2B với kho hàng riêng và mạng lưới giao hàng tận nơi nhằm tập trung giải quyết nút thắt này.

Các doanh nghiệp F&B sử dụng nền tảng Kamereo để dễ dàng đặt hàng từ nhiều nông dân. Tuy nhiên, từ năm 2023, Kamereo đã mở rộng hoạt động kinh doanh bán lẻ khi ra mắt hai dòng sản phẩm mới là rau củ ăn liền và rau củ sơ chế. Họ bán những sản phẩm này tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi.

Kamereo đã sinh lời vào đầu năm 2023 - theo TechinAsia. Trong giai đoạn đại dịch, công ty đã xoay sở để vượt qua, và kể từ đó phát triển hoạt động kinh doanh mạnh mẽ.

Hiện tại, Kamereo phục vụ hơn 3.000 đơn vị tại Việt Nam - không chỉ nhà hàng mà còn cả siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà máy, trường học, bệnh viện v.v.

"Tôi nghĩ khả năng đáp ứng nhu cầu sản phẩm về giá và lượng hàng của Kamereo là một lợi thế. Không chỉ thế, dịch vụ giao hàng đúng giờ và linh hoạt là điều chúng tôi đánh giá cao trong vai trò của Kamereo việc hỗ trợ công việc kinh doanh của khách hàng được thuận tiện nhất có thể", bộ phận thu mua của Maison Marou viết trên trang chủ của Kamereo.

Kamereo có kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động tại Việt Nam. “Hiện tại, chúng tôi đã sẵn sàng mở rộng quy mô hoạt động ra Hà Nội, bên cạnh hoạt động hiện có tại TPHCM và TP Bình Dương”, đại diện của startup cho biết. Kamereo cũng đang tìm cách thâm nhập vào Campuchia, do nước này nằm gần TPHCM.

Theo ông Taku Tanaka, nhiều doanh nghiệp có mô hình hoạt động tương tự Kamereo đã phải dừng hoạt động do những khó khăn trong việc xây dựng và quản lý đội ngũ cũng như vận hành. “Mặc dù quy mô thị trường cung cấp thực phẩm của Việt Nam rất lớn nhưng hiện vẫn chưa có người chiến thắng cuối cùng. Chúng tôi tin rằng Kamereo đã sẵn sàng nắm bắt cơ hội này và trở thành người dẫn đầu thị trường".

Ông James Tan, đại diện của Quest Ventures, nhận định Kamereo “đã xây dựng một cơ sở hạ tầng ấn tượng để cung cấp cho khách hàng nguồn cung cấp rau quả đáng tin cậy và giá cả phải chăng”, trong bối cảnh “chuỗi cung ứng thực phẩm ở Việt Nam hoạt động còn kém hiệu quả do cấu trúc phức tạp và quy mô vận hành nhỏ”.