Dù rút khỏi thị trường Việt Nam, nhưng Atome vẫn hoạt động bình thường tại các thị trường khác ở Đông Nam Á

g
Khách hàng có thể quét mã QR tại cửa hàng hoặc chọn Atome khi thanh toán trên các kênh bán hàng trực tuyến. Ứng dụng cho phép người dùng chia hóa đơn thành ba lần thanh toán mà không phải trả thêm lãi suất. Ảnh: Nation Thailand

Atome, công ty mua trước, trả sau (BNPL) do Tập đoàn Advance Intelligence có trụ sở tại Singapore điều hành, xác nhận đã rút khỏi thị trường Việt Nam sau 1 năm hoạt động.

Chia sẻ với Tech in Asia, công ty cho biết “Đóng góp từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào hoạt động kinh doanh tổng thể của chúng tôi còn hạn chế”.

“Chúng tôi đã bắt đầu tạm dừng các hoạt động của Atome tại Việt Nam vào tháng 5 theo kế hoạch, một cách trật tự”, đại diện Atome cho hay. Đội ngũ công ty đã làm việc với các đối tác, thương nhân và khách hàng một cách cẩn thận trong suốt quá trình này.

Được thành lập tại Singapore vào năm 2019, ứng dụng Atome đã hợp tác với hơn 10.000 nhà bán lẻ trực tuyến và cửa hàng đồ gia dụng, thời trang, mỹ phẩm và nhu yếu phẩm tại hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đến tháng 4/2022, Atome ra mắt tại Việt Nam thông qua chương trình thử nghiệm với 20 đối tác bán lẻ như Robins, Zara, Massimo Dutti và Converse. Trong một cuộc phỏng vấn với Tech in Asia vào tháng 11/2022, công ty cho biết đã tiếp cận hơn 100 đơn vị kinh doanh trong nước vào thời điểm đó, nhằm đến người tiêu dùng hệ Y và Gen-Z. Đây có thể xem là chiến lược đúng đắn khi dân số Việt Nam tương đối trẻ, độ tuổi trung bình ở Việt Nam là 30,4 tuổi. Thế hệ này đã thúc đẩy sự phát triển của mua sắm trực tuyến, với tỷ lệ mua sắm trực tuyến 37,1%.

Khách hàng có thể quét mã QR tại cửa hàng hoặc chọn Atome khi thanh toán trên các kênh bán hàng trực tuyến. Ứng dụng cho phép người dùng chia hóa đơn thành ba lần thanh toán mà không phải trả thêm lãi suất.

Việc Atome rút khỏi thị trường Việt Nam là một quyết định gây ngạc nhiên, khi vào tháng 5, công ty mẹ Advance Intelligence Group đã huy động được 80 triệu USD từ Warburg Pincus và Northstar Group. Công ty hoàn toàn có thể rót một phần số tiền này vào Atome Việt Nam để duy trì hoạt động tại thị trường.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây là động thái khôn ngoan khi thị trường BNPL tại Việt Nam trở nên cạnh tranh căng thẳng.

Mô hình BNPL nổi lên như một xu hướng tiêu dùngkhi nó cho phép người dùng chia chi phí thành các khoản nhỏ để thanh toán, nhờ đó người mua sắm trực tuyến trẻ tuổi có được kế hoạch tài chính linh hoạt hơn. Ngoài ra, BNPL không giống hình thức vay tiền từ ngân hàng, có thể ảnh hưởng đến điểm tín dụng của cá nhân.

Nhận thấy tiềm năng đó, các ngân hàng đã bắt đầu bước vào lĩnh vực BNPL, các "siêu ứng dụng" hay kênh thanh toán thứ ba như PayPal và MasterCard đồng loạt xuất hiện, các công ty khởi nghiệp như Kredivo và Fundiin, ví điện tử nội địa MoMo cũng tham gia cuộc chiến "đốt tiền" để giành lấy miếng bánh thị phần.

Dù rút lui tại Việt Nam, Atome vẫn vận hành bình thường ở Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines.