Tỷ lệ hỗ trợ của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) cho các nghiên cứu ứng dụng trong thời gian tới sẽ tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2018-2020.

Ngày 15/4, tại TPHCM, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH-CN và phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH-CN trình độ cao ở các trường đại học”.

Ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc cơ quan điều hành Nafosted, trong giai đoạn 2018-2020, Nafosted được cấp kinh phí 300 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, gần 88% kinh phí được dành hỗ trợ các nghiên cứu cơ bản, gần 10% cho nghiên cứu ứng dụng; hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN quốc gia chiếm 2,5%. Giai đoạn 2021-2025, kinh phí tối thiểu Quỹ được cấp là 500 tỷ đồng/năm.

Sau 15 năm, Nafosted đã tài trợ hơn 4.000 đề tài nghiên cứu của 20.000 nhà khoa học và 300 tổ chức trên cả nước. Trung bình một đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản được cấp kinh phí khoảng 950 triệu đồng. Theo ông Nguyên, con số này vẫn còn thấp. Thời gian tới, Quỹ hướng đến tăng tỷ lệ tài trợ, hỗ trợ cho các nghiên cứu ứng dụng lên mức 25%; kinh phí dành cho nghiên cứu cơ bản còn 65%.

Ngoài ra, Quỹ cũng tăng tỷ lệ hỗ trợ cho hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia lên 10%, tập trung vào hoạt động nghiên cứu sau tiến sĩ, dưới dạng tài trợ cho các nhà khoa học trẻ trong giai đoạn đầu hoạt động khoa học.

b
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: KA

GS. TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng cho rằng, hiện quy mô tài trợ trung bình của Quỹ là 950 triệu đồng/đề tài là khá thấp so với yêu cầu đầu ra của các đề tài mà Quỹ tài trợ. Vì vậy, cần mở rộng quy mô tài trợ, đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động nghiên cứu KH&CN, đảm bảo tài chính theo kết quả đầu ra của các nghiên cứu. TS Sơn mong muốn, trong các chương trình hỗ trợ, tài trợ của, cần quan tâm nhiều hơn các chương trình chuyên sâu về khoa học giáo dục, xã hội và nhân văn, sức khỏe tâm thần, phát triển xã hội, cộng đồng,… “Nếu không chú trọng đến các lĩnh vực này, sẽ dẫn đến thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới”, TS Sơn nhận định.

Chia sẻ về thực trạng nghiên cứu tại đơn vị, PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết số, lượng công bố quốc tế của trường tăng cũng nhanh trong 5 năm gần đây, với tốc độ tăng 30%/năm. Tuy nhiên, tỉ lệ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu tham gia nghiên cứu khoa học chỉ đạt khoảng 75%. Trường chưa có nhiều sản phẩm nghiên cứu được triển khai ứng dụng thực tiễn, do còn gặp vướng mắc về cơ chế chuyển giao. Vì vậy, phần lớn sản phẩm chỉ mới được phát triển đến mức độ phòng thí nghiệm.

TS Mai Thanh Phong cho rằng, cần tăng đầu tư cho KH&CN, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý tài chính nhiệm vụ KH&CN, cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Bên cạnh đó, nên đầu tư có trọng điểm và dài hạn cho các lĩnh vực ưu tiên, cũng như nâng cấp cơ sở vật chất của các đơn vị nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

C
Đại biểu đóng góp ý kiến cho Hội thảo. Ảnh: KA

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong hơn 10 năm qua, số công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước tăng nhanh về số lượng, đặc biệt trong 3 năm gần đây, chiếm 90% trong tổng số công bố quốc tế của cả nước. Tuy nhiên, số công bố của Việt Nam còn thấp so với một số nước trong khu vực. Số sáng chế, giải pháp hữu ích của các trường đại học có tăng nhưng còn khiêm tốn. Yêu cầu về đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) quan trọng đối với lĩnh vực KH&CN, nhưng số tuyển sinh mới ở một số ngành còn khá ít - đặc biệt là đào tạo tiến sĩ (năm 2020) ở một số ngành như Công nghệ kỹ thuật (6), Toán và thống kê (57), An ninh quốc phòng (21), Dịch vụ vận tải (23),…

Trước thực tế nói trên, TS Nguyễn Thu Thủy đề xuất ưu tiên phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm đào tạo và nghiên cứu xuất sắc. Nhà trường thì chủ động tham gia thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm của quốc gia, thành phố, tăng cường thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu, nhất là các nhóm nghiên cứu liên ngành. Từ đó, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KHCN trình độ cao ở các trường đại học.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, và bày tỏ mong muốn các cơ sở giáo dục đại học dành ưu tiên đầu tư cho việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học, phát triển nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao.

Về Nafosted, Bộ trưởng đề nghị Quỹ nghiên cứu xây dựng nguồn quỹ tài trợ từ xã hội, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học.