Được một số doanh nghiệp, đơn vị đặt hàng đào tạo về nhân lực làm việc liên quan đến ngành khoa học trái đất, như địa chất, tài nguyên, môi trường, thủy văn,... nhưng Trường Đại học Mỏ - Địa chất không thể tuyển đủ sinh viên theo học các ngành này.

Thông tin trên được GS Trần Thanh Hải, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, chia sẻ tại Hội thảo “Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học trái đất và môi trường – CAREES 2019” do NAFOSTED phối hợp với Viện Địa lý Tài nguyên TPHCM tổ chức ngày 29/11 tại TPHCM.

Theo GS Hải, người hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Khoa học trái đất và Môi trường của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED), nguyên nhân ngành KHTĐ chưa hấp dẫn người học do mức lương sau khi ra trường thấp, đãi ngộ chưa tương xứng, điều kiện làm việc nghèo nàn,…

GS Trần Thanh Hải, Trường Đại học Mỏ - Địa chất    Ảnh: KA
GS Trần Thanh Hải, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: KA

Ngoài ra, các trường vẫn còn nặng đào tạo về lý thuyết, cập nhật những tiến bộ khoa học trên thế giới còn hạn chế, xã hội chưa quan tâm và đầu tư cho KHTĐ nên sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, viện nghiên cứu còn yếu. Hiện Việt Nam có hơn10 trường đào tạo nhân lực về KHTĐ nhưng theo GS Hải chưa có trường nào đào tạo chuyên sâu về địa chất biển.

Trong khi đó, GS Phan Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Khoa học trái đất và Môi trường, cho biết, các đề tài ngành Khoa học trái đất và Môi trường do quỹ NAFOSTED tài trợ trong năm 2019 lên đến 69 đề tài, tăng nhiều so với những năm trước và chất lượng cũng đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như chưa bám sát chủ đề, thiếu tính mới, kết quả dự kiến chưa cụ thể,…

Đại biểu thảo luận về nghiên cứu và đào tạo về KHTĐ      Ảnh: KA
Đại biểu thảo luận về nghiên cứu và đào tạo về Khoa học trái đất. Ảnh: KA

PGS.TS Phạm Việt Hòa, Viện trưởng Viện Địa lý Tài nguyên TPHCM, cho biết, CAREESS 2019 là hội thảo đầu tiên được tổ chức nhằm tạo cơ hội để các nhà khoa học trong nước và quốc tế trình bày những kết quả nghiên cứu mới. Hội thảo đã nhận được gần 200 báo cáo từ các cá nhân, nhóm nghiên cứu trên toàn quốc thuộc 5 tiểu ban, gồm Biển Đông, Địa chất – Địa Vật lý, Địa lý, Khí tượng thủy văn, Khoa học môi trường, trong đó đáng chú ý có các báo cáo: Kết quả mới nhất về động đất và sóng thần tại Việt Nam; Đánh giá ô nhiễm kim loại nặng trong trầm tích ven bờ biển Thanh Hóa; Một số phát hiện mới về di sản ở Tây Nguyên; Xây dựng mô hình học sâu đánh giá nguy cơ cháy rừng tại Lâm Đồng;….