Thói quen tùy tiện sử dụng sạc pin điện thoại không rõ nguồn gốc, đã khiến người dùng phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

sacdienthoai
Chiếc sạc không chính hãng đã gây ra cái chết thương tâm đối với sản phụ tại Nghệ An.

Gần đây nhất, cục sạc pin không chính hãng chính là nguyên nhân gây ra cái chết thương tâm cho thai phụ tại Nghệ An.

Tránh xa điện thoại khi đang sạc pin

Sẽ là không quá nếu đưa ra lời cảnh báo: Chiếc điện thoại hoàn toàn có khả năng biến thành công cụ giết người khi chưa được ngắt nguồn điện.

Các hãng sản xuất điện thoại cũng đã tính toán đến trường hợp khách hàng vừa sử dụng vừa sạc điện thoại, nên đã đưa ra khuyến cáo: Không tiếp xúc với điện thoại đang sạc khi tay ướt, không sử dụng ở môi trường có nguy cơ cháy nổ cao, đảm bảo đấu nối vào nguồn điện đúng quy cách…

Sử dụng điện thoại trong lúc đang sạc pin, đặc biệt là vừa chơi game hoặc vừa gọi điện thoại vừa sạc pin, sẽ làm tăng mức tiêu thụ pin khiến máy nhanh nóng, hại pin.

Ngoài ra, các bức xạ của việc sử dụng điện thoại di động sẽ tăng khi pin yếu, hoạt động trong vùng phủ sóng kém. Trong quá trình sạc pin nếu sử dụng điện thoại, các linh kiện bị nóng cũng có thể tăng các bức xạ không tốt cho sức khỏe.

Theo nghiên cứu của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, việc vừa sạc pin vừa nghe điện thoại không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi nghe điện thoại trong trạng thái sạc, người dùng sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu hơn so với nghe điện thoại ở trạng thái thông thường. Ngoài ra, do tác dụng của sóng cao tần (cỡ 1.8 GHz) phát ra từ điện thoại di động khi thời gian sử dụng kéo dài (vì việc sạc pin thường lâu) đã ảnh hưởng tới não người sử dụng.

Bởi vậy, khi sử dụng điện thoại di động, người dùng không nên sử dụng kéo dài, không nên để điện thoại gần những bộ phận nhạy cảm như não, tim… Đặc biệt trong thời gian đầu (khoảng 10 giây từ khi bật điện thoại) vì trong khoảng thời gian này công suất điện thoại di động lớn hơn nhiều ngưỡng an toàn cho phép.

Theo khuyến cáo, người sử dụng chỉ nên tiếp xúc điện thoại với cơ thể ở khoảng cách an toàn 1,5 cm.

Nguy hiểm với kiểu sạc "râu ông nọ cắm cằm bà kia"

Thực tế cho thấy, thời gian qua, tỷ lệ nạn nhân bị giật do dùng iPhone trong khi sạc pin cao hơn các điện thoại khác. Nguyên nhân do giá cục sạc chính hãng quá cao nên nhiều người vẫn "tặc lưỡi" sử dụng cục sạc không rõ nguồn gốc.

Theo ông Vũ Đức Hải, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật hệ thống FPT Shop, để sạc pin an toàn, điều kiện tiên quyết là phải sử dụng đúng cục sạc theo máy (tức là cục sạc nhà sản xuất bán kèm với điện thoại). Người dùng nên hạn chế sử dụng sạc của các thiết bị khác theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, ví dụ lấy sạc điện thoại A sạc cho điện thoại B vì thông số nguồn điện đầu ra của cục sạc thường không giống nhau.

Ông Hải nhận định, không chỉ iPhone mà bất kỳ dòng điện thoại nào cũng có thể gây nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách hoặc linh kiện của bộ sạc không đảm bảo, không rõ nguồn gốc. Trong quá trình sạc, nếu các linh kiện điện tử không đảm bảo chất lượng, bị hỏng, mạch nguồn có thể bị đánh thủng dẫn tới việc điện áp cao phóng thẳng tới điện thoại liên tục hoặc tức thì gây hỏng điện thoại, giật điện và nguy hiểm cho người sử dụng, nhất là những điện thoại vỏ kim loại. Ngoài ra, ông Hải cũng nhấn mạnh tới việc sử dụng một cục sạc chất lượng để sạc cho pin dự phòng cũng quan trọng không kém.

Với những sạc dự phòng không rõ nguồn gốc với những linh kiện kém chất lượng, không đáp ứng được những tiêu chuẩn cần thiết về nguồn điện (điện áp, cường độ dòng điện, mạch bảo vệ thiết bị…). Do đó, sử dụng sạc dự phòng không rõ nguồn gốc sẽ có thể làm chai pin, phù pin hoặc nặng hơn là nổ pin điện thoại.

Với cục sạc không chính hãng, việc sử dụng linh kiện kém chất lượng cũng làm nó có thể bị quá tải, dẫn tới tình trạng quá nhiệt, nhẹ thì hư hỏng, chập điện, nặng hơn thì nổ tụ, có khi làm chập điện và nổ luôn cả sạc dự phòng.

Về thiết bị, sạc dự phòng không rõ nguồn gốc khiến cho dòng điện sạc cho máy không đúng tiêu chuẩn đề ra của nhà sản xuất, gây ra hỏng hóc phần cứng. Một số trường hợp tiêu biểu dễ thấy nhất là bị loạn cảm ứng, hoặc nặng hơn là chết màn hình cảm ứng."Tóm lại, khách hàng nên sử dụng cả cục sạc lẫn sạc dự phòng chính hãng để bảo đảm an toàn cho sản phẩm và bản thân mình", ông Hải khuyến cáo.

Liên tục xảy ra trường hợp thương vong vì sạc điện thoại

Ngày 20/5, bé trai 5 tuổi trú tại ấp Mỹ Phú, xã Phú Điền, Lâm Đồng đã tử vong do nghịch điện thoại của mẹ trong lúc sạc pin.

Ngày 21/5, tại tổ 19 (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cột điện tổng bất ngờ phát ra tiếng nổ. Đúng thời điểm này, anh Bùi Phúc Hiệp (SN 1990) đang sạc pin điện thoại tại nhà, cách điểm chập điện khoảng 200 m, đã bị điện giật, ngã xuống đất và tử vong.

Ngày 2/6, anh Đoàn Văn Hùng (45 tuổi, trú tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM) bị bỏng nặng gần như toàn thân khi nghe điện thoại lúc có tia lửa điện phóng xuống...Gần đây nhất, 20/9, thai phụ tại Nghệ An đã thiệt mạng vì dùng sạc pin không chính hãng.

Trước đó, năm 2012, anh Kiều Thế Bắc (SN 1992, trú Lâm Đồng) cũng tử vong do dây sạc pin điện thoại hở mạch, quấn vào cổ tay nên bị điện giật.