Đây mới là di chỉ đầu tiên trong số 11 di chỉ khảo cổ tiền sử thuộc khu vực danh thắng Tam Chúc sẽ được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Nam tiếp tục khảo sát, khai quật trong thời gian tới.

g
TS. Phạm Thanh Sơn (Viện Khảo cổ học) thuyết minh về mộ song táng tại hố khai quật hang Đội 4. Ảnh: Hoàng Anh Đức

Năm 2021, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Bảo tàng Hà Nam khảo sát và phát hiện một số hang động có giá trị nghiên cứu cao, trong đó có hang Đội 4 thuộc quần thể danh thắng Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam). Phát hiện này được công bố lần đầu tại Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 57 diễn ra vào năm ngoái.

Tháng 3/2023, di tích hang Đội 4 được tiến hành khai quật lần thứ nhất. Với tổng diện tích 7,5m2, hố khai quật có địa tầng rất phức tạp với 13 lớp văn hóa khác nhau từ trên xuống dưới.

Đáng chú ý, “trong hố khai quật, chúng tôi phát hiện ra vết tích của mộ táng. Có ba mộ, trong đó có hai mộ ở tư thế bó gối, song táng của một nam trưởng thành 17-20 tuổi và một nữ trẻ em khoảng 5-6 tuổi”, TS. Phạm Thanh Sơn (Viện Khảo cổ học), chủ trì cuộc khai quật, chia sẻ.

Các nhà khoa học tạm xác định niên đại của mộ thuộc văn hoá Hoà Bình. “Đây là trường hợp đầu tiên mộ song táng nằm co bó gối được ghi nhận trong văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam và ở khu vực Đông Nam Á", TS. Sơn cho biết tại Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 57 diễn ra vào tuần trước.

Theo các nhà khảo cổ học, những cư dân cư trú muộn nhất tại hang Đội 4 đã biết đến kỹ thuật mài ở mức độ sơ khai, dù công cụ ghè đẽo vẫn giữ vai trò chủ đạo ở các lớp văn hoá sớm lẫn văn hoá muộn. Cư dân tại đây đã cư trú và thích nghi với những điều kiện môi trường rất khác nhau, phản ánh ở sự đa dạng của màu sắc địa tầng. “Tuy nhiên, sự khác biệt cụ thể diễn ra như thế nào thì chúng ta phải đợi các kết quả nghiên cứu về cổ môi trường và cổ khí hậu", ThS Nguyễn Anh Tuấn, thành viên đoàn khai quật, nhận định.

Bên cạnh đó, họ cũng phát hiện di tích động vật bao gồm vỏ nhuyễn thể cùng với xương răng động vật với số lượng đáng kể qua diễn biến của các lớp đào. Đa số di cốt động vật phát hiện trong hố khai quật đều là các loài thú nhỏ. Trong số các di cốt xương răng động vật, đây có thể là lần đầu tiên xương chuột cộc được tìm thấy trong một di chỉ khảo cổ học thuộc văn hoá Hoà Bình tại Việt Nam. Nhiều khả năng nhóm thú gặm nhấm bị chết tự nhiên trong hang hoặc bị động vật săn bắt. Chẳng hạn, cú mèo nuốt nguyên con vật, trong phân thải ra thường còn một phần bộ lông và xương với mức độ bảo tồn khá tốt.

TS Phạm Thanh Sơn cho biết đây mới là di chỉ đầu tiên trong số 11 di chỉ khảo cổ tiền sử thuộc khu vực danh thắng Tam Chúc sẽ được nhóm nghiên cứu tiếp tục khảo sát, khai quật trong thời gian tới.

Diễn ra từ ngày 1/11 đến ngày 3/11, Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 58 do Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) chủ trì là sự kiện thường niên của ngành khảo cổ học Việt Nam.

Hội nghị năm nay tập hợp một số lượng báo cáo lớn, với 456 báo cáo chia thành các tiểu ban Khảo cổ học Tiền Sử, Khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm, Khảo cổ học Lịch sử, Khảo cổ học Chăm Pa – Óc Eo và Khảo cổ học Dưới nước.

Trong đó, sự kiện phát hiện mộ song táng thuộc văn hoá Hoà Bình (niên đại từ 12.000 đến 10.000 năm TCN) tại tỉnh Hà Nam là một trong số những phát hiện mới đáng chú ý của ngành khảo cổ học trong năm qua.

Trong năm qua, các nhà khảo cổ học đã thực hiện thêm nhiều cuộc khảo sát tại các địa điểm tại Vân Đồn (Quảng Ninh), thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) và tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu tại di tích Óc Eo - Ba Thê - Nền Chùa (An Giang).

Nhóm bài về đồ đồng và trống đồng Đông Sơn chiếm số lượng lớn như những năm vừa qua với 33 bài. Các phát hiện về trống đồng và hiện vật Đông Sơn ở các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, sưu tập hiện vật sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Một số bài nghiên cứu thực nghiệm đúc trống đồng Cổ Loa I, nghiên cứu giải mã các biểu tượng trên trống Đông Sơn và về người Đông Sơn ở hải đảo.

Năm qua đã diễn ra nhiều cuộc điều tra, khảo sát các di tích đình, đền, chùa, miếu, lăng, tháp, nhà thờ giáo, nhà cổ, mộ cổ các thời kỳ khác nhau... trên địa bàn cả nước. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một số lượng lớn di vật lịch sử, với sự đa dạng về loại hình và chất liệu với các loại đồ kim loại (ấn, tượng, chuông, khánh, tiền) đồ đá (bia, cây hương, cấu kiện kiến trúc), đồ gỗ (tượng, hoành phi, câu đối), đồ gốm sứ, sành, đất nung, gạch ngói...

Một điểm mới của hội nghị năm nay là các nhà khảo cổ đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các phương pháp nghiên cứu mới. Có thể kể đến phương pháp đo lường thuỷ quang do Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ phối hợp với Viện hạt nhân Đà Lạt tiến hành nhằm phân tách các lớp kiến trúc chồng xếp lên nhau để đánh giá chi tiết quy mô, quy hoạch không gian kiến trúc của đô thị cổ Óc Eo. Sự hợp tác liên ngành và ứng dụng các phương pháp khảo cổ học hiện đại sẽ là những gợi mở tiềm năng cho các nghiên cứu mới trong những năm tới.