Kết quả khảo sát thực địa cho thấy chỉ còn khoảng 450 bếp than tổ ong đang hoạt động ở Hà Nội.

Theo báo cáo khảo sát của chương trình “Xóa bỏ bếp than tổ ong tại Hà Nội” do Live & Learn triển khai, tính đến hết quý III/2021, Hà Nội còn khoảng 450 bếp than tổ ong đang hoạt động, tương đương với việc loại bỏ được khoảng 54.042 bếp (99,17 %) so với kết quả điều tra, khảo sát năm 2017.

Trong đó, chỉ từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, số bếp than tổ ong hoạt động ở Hà Nội đã giảm74,8%.

Đã có 19/30 quận/huyện (tương đương 63%) xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong; 9 quận/huyện xóa bỏ trên 90% số bếp than tổ ong; 1 quận xóa bỏ dưới 90% số bếp than tổ ong; và 1 quận có những hoạt động tái sử dụng bếp than tổ ong.

Đây là kết quả của những nỗ lực, đóng góp không ngừng nghỉ của Live&Learn và các bên liên quan trong việc tuyên truyền người dân thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ.

Để có được những dự liệu thực địa này, chương trình đã áp dụng cách tiếp cận khoa học công dân - tức kêu gọi cộng đồng cung cấp dữ liệu về tình hình sử dụng bếp than tổ ong xung quanh mình. Bên cạnh đó, chương trình tổ chức đội ngũ cộng tác viên đi rà soát vị trí bếp than tổ ong và đánh dấu tình hình bếp vẫn còn sử dụng (màu đỏ) và không còn sử dụng (màu xanh) trên bản đồ Google Map.

Tình hình sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn Hà Nội | Ảnh: Live&Learn
Tình hình sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn Hà Nội | Ảnh: Live&Learn

Một thành viên của nhóm Helius+, cộng tác viên của chương trình, chia sẻ: “Ngày trước, tôi đã từng coi bếp than tổ ong là một nét đẹp tuổi thơ, và đơn giản coi đó là một loại bếp bình thường. Nhưng sau khi được tham gia chiến dịch bếp than tổ ong, các hoạt động thực tế từ việc tìm tư liệu phóng sự đã giúp mình nhận thức được nhiều điều.

“Đầu tiên có lẽ là chính là việc giữa những trưa hè nắng nóng, khói bụi Hà Nội cộng thêm khói bếp than tổ ong thật sự là một trải nghiệm đáng sợ và khủng khiếp. Vốn đã mệt mỏi vì thời tiết nhưng chính khói than đã làm tăng cảm giác khó thở và ngột ngạt cho chính những người dùng và người đi đường. Tiếp theo là ghé thăm một số địa điểm vẫn đang sản xuất than nhưng với quy mô nhỏ lẻ. Những vết đen do bụi than, kèm theo đó là tiếng ho sặc sụa của những người công nhân khiến bản thân mình ý thức được chính những người sản xuất ra than cũng đang hằng ngày chịu sự phá huỷ sức khỏe đến từ than tổ ong.

“Chính chiến dịch đã thay đổi nhận thức của mình về bếp than tổ ong, hiểu được câu chuyện với góc nhìn đa chiều hơn. Nắm được tác hại chính là động lực thúc đẩy bản thân mình tìm kiếm những biện pháp để cải thiện, từ việc thay các loại bếp thân thiện đến truyền đạt lại những gì mình biết cho gia đình và người thân."

Theo các nghiên cứu khoa học, các hoạt động đun nấu dân sinh (trong đó chủ yếu gồm bếp than tổ ong) là một trong những nguồn gây ô nhiễm bụi PM2.5 đáng kể ở Hà Nội. Không những thế, hít thở khói từ bếp than tổ ong trong một thời gian dài có thể gây ra hàng loạt các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, ung thư phổi, các bệnh về mắt, tim mạch…

Đun nấu bằng than tổ ong trong nhà kín, không lưu thông có thể dẫn đến tình trạng hôn mê sâu, đau nhức đầu, rối loạn thần kinh cảm giác, thậm chí tử vong. Phụ nữ mang thai thường xuyên sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi khói than có nguy cơ bị sẩy thai cao…

Từ cuối năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành chỉ thị 15 quyết tâm “khai tử” bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố trong vòng 1 năm. Theo kế hoạch, thành phố sẽ chấm dứt sử dụng bếp than tổ ong vào đầu năm 2021 và áp dụng các chế tài xử phạt đối với những bên vi phạm.

Theo dõi bản đồ đầy đủ về tình hình sử dụng bếp than tổ ong ở Hà Nội tại đây.