Chuyển đổi số là cơ hội vô giá và cuối cùng dành cho Việt Nam, sau 3 lần đứng bên lề các cuộc cách mạng công nghiệp. Nếu tiếp tục bỏ lỡ, khoảng cách của Việt Nam với các nước phát triển sẽ càng xa hơn.

Quan điểm này được GS Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp Về Toán (VIASM) - chia sẻ tại tọa đàm Kinh tế số - Tiếp cận dưới góc độ kinh tế chính trị, do Khoa Kinh tế chính trị, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức ngày 26/4.

GS Hồ Tú Bảo phát biểu tại sự kiện. Nguồn: Mai Linh
GS Hồ Tú Bảo phát biểu tại sự kiện. Nguồn: Mai Linh

Là chuyên gia về Trí tuệ nhân tạo và Học máy, GS Hồ Tú Bảo cho rằng, có thể hiểu một cách đơn giản, kinh tế số nghĩa là làm kinh tế trên môi trường số với nhiều dữ liệu và kết nối hơn. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ mà kinh tế sẽ được làm theo những cách chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Đơn cử như cách mà Grab, Uber hay AirBnB đang vận hành cho một nền kinh tế chia sẻ. Loài người sẽ phải làm quen với những doanh nghiệp không sở hữu bất kỳ chiếc xe hay ngôi nhà nào nhưng lại có thể cho thuê xe, thuê nhà trên toàn thế giới.

Nhờ sự mới mẻ chưa từng có trong lịch sử nhân loại này mà chuyển đổi số và kinh tế số sẽ mở ra cơ hội cho những quốc gia không có truyền thống công nghiệp như Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp của nhân loại sau 3 lần bỏ lỡ.

Khẳng định việc phát triển kinh tế số là tất yếu, GS Hồ Tú Bảo nhấn mạnh: “Đây là cơ hội cuối cùng, hàng chục năm mới có một lần với những công nghệ có thể thay đổi cả thế giới. Nếu chúng ta không nhanh chân và không bắt kịp thì khoảng cách của Việt Nam với thế giới sẽ ngày càng lớn hơn và càng khó đuổi kịp hơn”.

Góp ý thêm về cách vận hành của kinh tế số, PGS.TS. Hà Quang Thuỵ, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, nếu như cách đây 10-20 năm, Việt Nam có khái niệm kinh tế tri thức, kinh tế thị trường theo định nghĩa xã hội chủ nghĩa thì giờ đây, chúng ta có thêm khái niệm kinh tế số. Vì vậy, PGS Thụy đề xuất, Khoa Kinh tế chính trị cẩn trở thành một thành tố xây dựng luận thuyết dẫn dắt sự phát triển tích hợp giữa kinh tế tri thức, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế số.

Nguồn: ML
PGS. TS. Phạm Văn Dũng phát biểu tại sự kiện. Nguồn: ML

Tổng kết buổi tọa đàm, PGS.TS. Phạm Văn Dũng - nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế chính trị, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra vô số sự thay đổi trong mọi mặt của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế". Theo ông, dưới góc nhìn của kinh tế chính trị, kinh tế số có nhiều câu hỏi cần giải đáp như lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất sẽ bị tác động thế nào khi ranh giới giữa sở hữu chung và sở hữu riêng bị giảm mạnh và tiến tới bị xóa nhòa trong nền kinh tế chia sẻ; kinh tế số có vị trí như thế nào trong tiến trình của nhân loại từ góc độ của các phương thức sản xuất và cao hơn là hình thái kinh tế xã hội...