Việc vinh danh công nghệ vaccine mRNA, thứ công nghệ đem lại hàng tỉ liều vaccine COVID-19 không chỉ để ghi nhận công lao của những người phát triển nó mà còn là “nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản”.

GS Pieter Cullis, một trong ba nhà khoa học được trao giải thưởng về công nghệ này, mong mỏi một lần nữa, “nghiên cứu cơ bản sẽ thúc đẩy các phát kiến sáng tạo, và đó là lý do mà chúng ta có vaccine COVID-19”.

h
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Giải thưởng Chính của VinFuture cho ba nhà khoa họcKatalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) vì đã phát triển công nghệ nghiên cứu vaccine mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả.

Tại lễ trao giải thưởng VinFuture diễn ra vào tối qua, cả ba nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) đã trở thành những chủ nhân đầu tiên của Giải thưởng Chính vì đã phát triển công nghệ nghiên cứu vaccine mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả. Cụ thể, công nghệ sử dụng mRNA đã được sửa đổi, bao bọc trong các hạt nano lipid giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào cơ thể và không gây ra các phản ứng cytokine, không gây độc tính hoặc tác dụng phụ. Dựa trên khám phá của Kariko và Weissman cùng với việc tạo ra hạt nano lipid của Cullis, các công ty dược phẩm như Pfizer-BioNTech, Moderna đã sản xuất được các loại vaccine phòng chống Covid -19 hữu hiệu trong thời gian kỷ lục.

Đây là kết quả sau quá trình xét duyệt của hai Hội đồng độc lập với thành viên là các nhà khoa học, nhà phát minh, chuyên gia uy tín ở nhiều lĩnh vực trên thế giới”. Những thông tin này đã cho thấy “đây thực sự là tín hiệu tích cực của một giải thưởng lớn và uy tín”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định mở đầu lễ trao giải.

Bên cạnh Giải thưởng Chính, Giải thưởng VinFuture 2021 còn dành ba giải Đặc biệt - mỗi giải trị giá 500.000 đô la Mỹ dành cho các nhà khoa học nghiên cứu trong các lĩnh vực mới; nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển nhằm “nhìn nhận và tôn vinh những công trình khoa học “mang đến những giải pháp mới, giải quyết những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt, như các bệnh dịch truyền nhiễm hay nhu cầu bức thiết đối với các nguồn năng lượng sạch”, Giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, cho biết

Đầu tiên, hạng mục Giải Đặc biệt dành cho “Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới” được trao cho Giáo sư Omar Yaghi (Mỹ) với công trình tiên phong khám phá ra những dạng mới của vật liệu khung hữu cơ kim loại (MOFs), một loại vật liệu đặc biệt với cấu trúc có thể điều chỉnh tạo thành mạng lưới 3D, cho phép hấp thụ và lưu trữ các phân tử khí và nước. Do đó, MOFs tạo ra giải pháp thu nhận, lưu trữ, phân tách và kiểm soát thành phần hoá học của nhiều loại khí và phân tử, có khả năng làm sạch môi trường, mang lại bầu không khí, nguồn năng lượng và nguồn nước sạch hơn. Máy thu nước bằng vật liệu MOFs của giáo sư Yaghi có tiềm năng cung cấp nước sạch từ không khí. Nếu được ứng dụng thành công, nó có thể làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người đang sinh sống tại những nơi khan hiếm nước sạch và nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.

g
GS Omar Yaghi nhận giải đặc biệt cho "Nhà khoa học trong lĩnh vực mới" với công trình tiên phong khám phá ra những dạng mới của vật liệu khung hữu cơ kim loại.

Giải Đặc biệt thứ 2 dành cho “Nhà khoa học nữ” đã được trao cho giáo sư Zhenan Bao (Mỹ) với công trình nghiên cứu các vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người. Đây là một loại vật liệu hữu cơ cho phép biến các thiết bị điện tử thành một phần trên cơ thể người với khả năng co giãn, tự chữa lành và tự phân hủy sinh học. Những chức năng trên rất hữu ích trong chẩn đoán và điều trị chăm sóc sức khỏe thông minh, đồng thời có thể được ứng dụng vào các thiết bị điện tử để đeo và cấy ghép, mang lại trải nghiệm sống trọn vẹn hơn cho hàng triệu người khiếm khuyết các bộ phận cơ thể trên khắp thế giới hiện tại, cũng như tạo ra các đột phá về y tế trong tương lai.

g
04. Bà Zhenan Bao nhận giải Đặc biệt cho "Nhà khoa học nữ"với công trình nghiên cứu các vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người.

Giải Đặc biệt dành cho “Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển” thuộc về vợ chồng hai nhà khoa học đến từ Nam Phi, Giáo sư Salim Abdool Karim và Giáo sư Quarraisha Abdool Karim, với công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực dịch tễ, hai nhà khoa học đã phát triển một loại gel có chứa dược chất tenofovir giúp kháng virus HIV và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, qua đó đặt nền móng cho phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Salim Abdool Karim và Quarraisha Abdool Karim cũng tạo ra thuốc dạng uống nhằm thiết lập chiến lược phòng ngừa HIV đặc biệt dành cho phụ nữ trẻ và nữ vị thành niên và hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ sơ sinh.

f
Vợ chồng GS Salim Abdool Karim và Quarraisha Abdool Karimvới công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDSnhận giải Đặc biệt dành cho "Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển".

Phát biểu tại buổi lễ, GS Pieter Cullis một lần nữa nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc trao giải thưởng cho một nghiên cứu cơ bản làm nền tảng cho các ứng dụng quan trọng trong đời sống. Đây sẽ là một cách làm hiệu quả để khuyến khích các nhà khoa học trẻ, dù sống và làm việc ở bất cứ đâu, dũng cảm bước tiếp trên con đường nghiên cứu.

Giải thưởng VinFuture lần thứ nhất nhận được đề cử của gần 600 dự án, trong đó gần 100 dự án đến từ top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới và hơn 1/3 ứng viên là nhà khoa học nữ. Nhiều người trong số họ từng nhận được các giải thưởng khoa học lớn như Nobel, Breakthrough, Tang Prize, Japan Prize…

Ngay sau khi kết thúc Tuần lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất, mùa giải VinFuture năm thứ hai chính thức được khởi động. Quỹ VinFuture sẽ mở cổng tiếp nhận đề cử từ ngày 15/2/2022 cho đến ngày 3/6/2022.