Ngày 27/9, Đức thông báo hỗ trợ 2,6 triệu liều vaccine COVID-19 AstraZeneca từ nguồn dự trữ của mình cho chương trình triển khai vaccine quốc gia của Việt Nam.

h
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng vàĐại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner. Ảnh: Đại sứ quán Đức tại Hà Nội

Đại sứ Đức tại Việt Nam, TS. Guido Hildner, cho biết đây là lô vaccine thứ hai mà Đức hỗ trợ Việt Nam trong vòng hai tuần qua. Cùng với hơn 852 nghìn liềuvaccine được vận chuyển qua cơ chế COVAX ngày 16/9, Chính phủ Đức đã viện trợ Việt Nam tổng cộng 3,45 triệu liều.

Ngoài việc viện trợ vaccine, Đức và Việt Nam còn hợp tác chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh. Đầu năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ Đức hơn 100.000 khẩu trang. Vào mùa hè năm 2021, một số bang của Đức đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng một triệu kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên cũng như khẩu trang, quần áo bảo hộ và tủ lạnh chuyên dụng.

Các dự án hợp tác phát triển giữa Đức và Việt Nam cũng góp phần vào việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Sắp tới, hai nước sẽ triển khai các dự án với tổng số tiền tài trợ lên đến 104 triệu euro trong các lĩnh vực đào tạo nghề, phòng chống dịch bệnh, Một Sức khỏe (One Health), Phục hồi Xanh (Green Recovery), mạng lưới an sinh xã hội và số hóa. Trong đó, Chính phủ Đức dự định phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam xây dựng một trung tâm phòng chống dịch bệnh cũng như thiết lập các dịch vụ tư vấn về phòng chống buôn bán động vật hoang dã.

Tháng 5 vừa qua, Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) đã thành lập một trong bốn trung tâm toàn cầu mới về y tế và phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam, giúp phòng ngừa và điều trị các căn bệnh truyền nhiễm.

Đức dự định sẽ hỗ trợ tới 100 triệu liều vaccine cho các nước đang phát triển và mới nổi, phần lớn trong số đó là qua cơ chế COVAX. Như vậy, tính đến nay, nước Đức đã bàn giao hơn 8 triệu liều vaccine AstraZeneca cho COVAX.

Bên cạnh cơ chế này, Chính phủ Đức còn viện trợ vaccine song phương từ nguồn vaccine dự trữ của mình ở quy mô nhỏ hơn cho các nước như Việt Nam, Ukraina, Namibia và các quốc gia vùng Tây Balkan.