Đó là tuyên bố được đưa ra theo đề xuất của Mỹ và 22 quốc gia tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE.

Theo đó, các quốc gia ký vào bản tuyên bố hướng đến mục tiêu “mở rộng gấp ba công suất lắp đặt của điện hạt nhân trên toàn cầu đến năm 2050”.

Liên hợp quốc nhận định, sự gia tăng nhiệt độ không khí vào nửa cuối thế kỷ 20 là bởi sự gia tăng lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính như khí CO2, hoạt động mở rộng sản xuất và sự phát triển của các nhà máy nhiệt điện.

Các thỏa thuận tại COP28 nhấn mạnh việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, dứt khoát và hợp lý; thúc đẩy hành động trong thập kỷ quan trọng này để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hình minh họa. Nguồn: AP

Tuyên bố đưa ra mục tiêu tăng gấp ba công suất lắp đặt điện hạt nhân nhưng không phải là sự phân bổ đồng đều giữa các nước mà chỉ là mục tiêu mang tính toàn cầu.

Nhật Bản, nước đã tạm dừng mọi hoạt động xuất khẩu liên quan đến điện hạt nhân sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào tháng 3/2011, cho biết sẵn sàng tích cực hợp tác và đầu tư để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài.

Việc rà soát lại các tiêu chuẩn an toàn trên thế giới đã làm cho thời gian xây dựng nhà máy điện hạt nhân bị kéo dài, chi phí tăng cao, nhu cầu giảm. Thế nhưng, sau xung đột Nga - Ukraine, nhiều nước đã đưa ra kế hoạch xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân, nhu cầu này cũng tăng ngay tại các nước đang phát triển.

Hiện nay, Nga và Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân toàn cầu. Nga đang tiến hành xây dựng nhiều nhà máy tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Argentina và Pakistan.

Tính đến tháng 1 năm nay, trên thế giới hiện có 158 tổ máy điện hạt nhân đang được xây dựng hoặc đang trong kế hoạch xây dựng. Xét theo quốc gia và khu vực, Trung Quốc nắm vị trí số 1 với 47 tổ máy, Nga và Ấn Độ mỗi nước có 23 tổ máy. Ba quốc gia này hiện đang chiếm khoảng 60% số lượng các tổ máy điện hạt nhân toàn cầu.