Hội thảo Quốc tế AOAC SEA thường niên lần thứ 2 do Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM, phối hợp với Hiệp hội AOAC SEA tổ chức, đã diễn ra trong hai ngày 1 và 2/8 tại TPHCM, với chủ đề: “Kiến thiết môi trường tuân thủ chất lượng và an toàn thực phẩm trong thương mại quốc tế”.

AOAC SEA là một bộ phận của AOAC International với sự tham gia của 10 nước thành viên - gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Timor-Leste và Việt Nam - được tổ chức với tầm nhìn và vai trò trở thành người đóng góp trong việc tập hợp định hướng của Chính phủ, nguồn lực ngành công nghiệp và viện nghiên cứu để phát triển các giải pháp phân tích dựa trên sự đồng thuận về an toàn thực phẩm, tính toàn vẹn của thực phẩm và sức khỏe cộng đồng trên khắp các quốc gia Đông Nam Á.

h
Hội thảo lần 2 được tổ chức tại TPHCM. Ảnh: PV

Hội thảo lần II này, các đơn vị của các nước đã trình bày về các vấn đề phù hợp với đối tượng quan tâm trong phạm vi Đông Nam Á cũng như chủ đề có liên quan đến Việt Nam và các bên tham gia trong khu vực, phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh và chương trình của AOAC International như: Dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, hóa chất công nghiệp, phóng xạ hạt nhân, độc tố từ nấm mốc và những thách thức mới; Vi sinh thực phẩm, hóa học thực phẩm và công nghệ thực phẩm; Phụ gia thực phẩm, chế biến thực phẩm, đóng gói thực phẩm, vận chuyển và xử lý thực phẩm; Sản xuất nông nghiệp và sản xuất thực phẩm; Hệ thống kiểm soát thực phẩm quốc gia: giám sát và lấy mẫu, phương pháp phát hiện và phân tích, áp dụng các tiêu chuẩn và yêu cầu an toàn thực phẩm; Hài hòa tiêu chuẩn thực phẩm: tiêu chuẩn quốc tế (phân tích rủi ro, điều tra khoa học…), giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng thuốc thú y – quy trình chuẩn.

Ngoài ra, tại Hội thảo, một số chủ đề được đưa ra dựa trên ý kiến tham vấn của các nhà quản lý tại Việt Nam và AOAC International như: Quy định về thuốc trừ sâu và phân tích đa dư lượng (bao gồm ethylene oxide); Phân tích đa dư lượng kháng sinh; Phương pháp kiểm tra PFAS (per- and polyfluoroalkyl substances) và đánh giá rủi ro; Xử lý chất gây ô nhiễm (acrylamide, amin dị vòng, v.v.); Kim loại nặng: Sáng kiến ‘zero’ cho thực phẩm ở Mỹ; Phân tích tạp nhiễm thực phẩm; Xét nghiệm vi sinh (bao gồm NGS – Next Generation Sequencing); Phương pháp đánh giá rủi ro.

b
Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Trưởng phòng Thử nghiệm Vi sinh của QUATEST 3 trình bày tại Hội thảo. Ảnh: PV

Trong khuôn khổ Hội thảo lần II này, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) là tổ chức khoa học uy tín về đánh giá sự phù hợp đối với chất lượng sản phẩm hàng hóa tại Việt Nam thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ KH&CN đã tham gia báo cáo 2 chuyên đề liên quan đến thử nghiệm vi sinh và Thử nghiệm thành thạo gồm:

Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Trưởng phòng Thử nghiệm Vi sinh của QUATEST 3, trình bày về: “Ứng dụng công nghệ MALDI Biotyper để định danh vi sinh vật trong phòng thí nghiệm vi sinh thực phẩm và ngành thực phẩm”. Bài trình bày của bà Nguyệt tập trung vào nguyên lý của phương pháp định danh vi sinh vật dựa trên dấu ấn phân tử sử dụng kỹ thuật MALDI TOF MS (Matrix assisted laser desorption ionization - time of flight mass spectrometry) và ứng dụng của công nghệ này trong định danh các vi sinh vật ô nhiễm trong thực phẩm, trong môi trường sản xuất, cũng như trong xác định các vi sinh vật hiện diện trong các chế phẩm probitic.

Bên cạnh đó, bài trình bày cũng đề cập đến các ưu điểm cũng như một số hạn chế của kỹ thuật này. Với các ưu điểm vượt trội như thời gian thử nghiệm nhanh, quy trình đơn giản, được tự động hóa cùng với dữ liệu thư viện phổ tham chiếu lớn, khoảng 4.500 loài cho nhóm vi khuẩn, nấm men, nấm mốc. Kỹ thuật này ngày được ứng dụng nhiều và có xu hướng thay thế cho một số kỹ thuật truyền thống để định danh và khẳng định vi sinh vật. (Xem thêm thông tin về công nghệ MALDI Biotyper tại http://www.quatest3.com.vn/thu-nghiem-vi-sinh-vat-bang-cong-nghe-khoi-pho-maldi-tof-cho-ket-qua-nhanh-va-chinh-xac)

Bà Hồ Trần Ngọc Quyên, Phụ trách Phòng Thử nghiệm Thành thạo của QUATEST 3 thì trình bày về “Làm thế nào để có thể tham gia và sử dụng kết quả thử nghiệm thành thạo hiệu quả". Theo bà Quyên, thử nghiệm thành thạo là một công cụ khách quan để đánh giá hoạt động của phòng thí nghiệm. Việc tham gia vào chương trình thử nghiệm thành thạogiúp các phòng thí nghiệm theo dõi và đánh giá độ tin cậy của các kết quả của họ. Ngày nay, cùng với sự phát triển của các phòng thí nghiệm, nhu cầu tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạongày càng tăng, tương ứng với đó là nhiều nhà cung cấp thử nghiệm thành thạovà các chương trình thử nghiệm thành thạo.

b
Bà Hồ Trần Ngọc Quyên, Phụ trách Phòng Thử nghiệm Thành thạo của trình bày tại Hội thảo. Ảnh: PV

Do đó, nếu không có các tiêu chí phù hợp để lựa chọn chương trình thử nghiệm thành thạo và mục đích tham gia thử nghiệm thành thạo thì thời gian, tiền bạc và công sức có thể bị tiêu tốn quá mức, đặc biệt là đối với các phòng thí nghiệm thực hiện nhiều phép thử khác nhau. Phần trình bày này sẽ cung cấp một số nguyên tắc để lựa chọn các chương trình thử nghiệm thành thạophù hợp, sử dụng kết quả PT một cách hiệu quả và đề xuất một số biện pháp khắc phục trong trường hợp có kết quả số lạc khi tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo, đặc biệt là trong các chương trình thử nghiệm thành thạo lĩnh vực vi sinh. (Xem thêm về thử nghiệm thành thạovới các tiêu chí quan trọng để chỉ định, công nhận năng lực phòng thí nghiệm http://www.quatest3.com.vn/thu-nghiem-thanh-thao---tieu-chi-quan-trong-de-chi-dinh-cong-nhan-nang-luc-phong-thi-nghiem).

Hội thảo Quốc tế AOAC SEA là nơi chia sẻ của các chuyên gia đã cung cấp cho các thành viên các nước nhiều kiến thức về cơ hội, về các giải pháp hiệu quả giúp tăng cường sự tuân thủ chất lượng và an toàn thực phẩm trong thương mại quốc tế theo các nhóm lĩnh vực liên quan thể hiện qua chủ đề trên. Đây cũng là cơ hội để các chuyên gia học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này tại khu vực và trên thế giới.