Chương trình KC 15/21-30 đề ra mục tiêu có ít nhất 80% kết quả được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần phát triển KT – XH trong vùng.

Chương trình KH&CN quốc gia "Ứng phó biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030" (Chương trình KC 15/21-30), được công bố Tại Hội nghị Khoa học quốc tế “Khoa học trái đất, mỏ, môi trường phục vụ chuyển đổi số, phát triển xanh, tuần hoàn và ứng phó các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu”, do Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức ngày 29/12, tại TPHCM.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam bộ, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình KC 15/21-30, cho biết, Chương trình KC 15/21-30 hay gọi là Chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 2, do Đại học Quốc gia TPHCM và Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì, triển khai.

Thứ
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ĐHQG

Chương trình được thực hiện với mục tiêu Phát triển kinh tế bền vững vùng ĐBSCL; Phát triển xã hội bền vững, hài hòa, góp phần đưa ĐBSCL thành vùng văn minh sinh thái, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước. Đồng thời, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ thiên tai để phát triển bền vững ĐBSCL; Tích hợp đồng bộ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thích ứng với tác động của các hoạt động KT - XH ở thượng nguồn sông Mê Công và phát triển bền vững ĐBSCL.

Chương trình đề ra mục tiêu có ít nhất 80% kết quả của các đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn và được nơi sử dụng công nhận. Khoảng 20% kết quả được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.

v
Mô hình HTX trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại Bến Tre thuộc Chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 1. Ảnh: Chương trình TNB

Được biết,Chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 1 (Chương trình KH&CN quốc gia phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2014 - 2020), có 64 đề tài nghiên cứu được ứng dụng, chuyển giao tại 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, giúp phát triển KT - XH vùng.

Trong đó, có nghiên cứu và đưa vào ứng dụng túi trữ nước ngọt cho người dân tỉnh Bến Tre, mỗi túi chứa đến 15 m3 nước. Sau khi triển khai, người dân ở đây không thiếu nước sinh hoạt mà còn có nước phục vụ sản xuất. Mô hình trồng lúa xen canh tôm càng xanh trên 5.000 ha tại Bến Tre, cho lợi nhuận gấp 7-10 lần so với trồng lúa, đồng thời cải thiện môi trường, chất lượng tôm và lúa gạo cao. Mô hình nuôi tôm quảng canh trong rừng ngập mặn đạt năng suất 700 kg/ha so với 250 kg/ha trước đây...

Ngoài ra, một số đề tài khác được kể đến như Xây dựng quy trình sản xuất Prebiotic từ vi khuẩn lactic ứng dụng trong sản xuất thức ăn cho tôm nhằm hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp; Nghiên cứu sàng lọc và chế tạo chế phẩm phòng và trị bệnh chính của cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh tại vùng Tây Nam Bộ từ cây dược liệu để có thủy sản sạch; Xây dựng mô hình nuôi tôm bền vững tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long dựa trên kiểm soát và xử lý nước ao nuôi tôm bằng vật liệu và công nghệ nano; Cải thiện chuỗi giá trị nấm rơm vùng ĐBSCL, đã chuyển giao 8 mô hình sản xuất meo giống và trồng nấm rơm trong nhà tại Sóc Trăng, kỹ thuật trồng nấm rơm cho Công ty DASCO (Đồng Tháp); Nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ mỡ cá tra và cá basa;…