Đây là những khoản tài trợ quan trọng trong bối cảnh Mê Kông đang phải đối diện với 5 xu hướng đáng báo động là chế độ dòng chảy, giảm dòng phù sa nuôi dưỡng, xâm nhập mặn, ô nhiễm nhựa, lũ lụt và hạn hán do biến đổi khí hậu.

Cuộc họp Hội đồng MRC lần thứ 30 ở Siem Reap (24/11).
Cuộc họp Hội đồng MRC lần thứ 30 diễn ra ở ở Siem Reap. Ảnh: MRC

Tại cuộc họp thường niên lần thứ 30 của Ủy hội sông Mê Kông vào ngày 24/11 cùng với các nước thành viên Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, các nhà quản lý đã thảo luận về lộ trình hợp tác trong bối cảnh hoạt động sống của con người và biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến tuyến đường thủy lớn nhất Đông Nam Á.

Chủ tịch MRC Thor Chetha, đánh giá cao nỗ lực “hỗ trợ tài chính và kỹ thuật liên tục” từ 13 Đối tác Phát triển của MRC, qua đó góp phần đem lại một cách tiếp cận thống nhất trong giải quyết các vấn đề của sông Mê Kông. Hiện Mê Kông đang phải đối diện với 5 xu hướng đáng báo động là chế độ dòng chảy, giảm dòng phù sa nuôi dưỡng, xâm nhập mặn, ô nhiễm nhựa, lũ lụt và hạn hán do biến đổi khí hậu.

Tại sự kiện, Đức đã cam kết tài trợ 15 triệu Euro để tài trợ cho việc triển khai thử nghiệm Cửa sổ hệ sinh thái thuộc Thành phần hệ sinh thái do Quỹ Mê Kông phụ trách. Đây là dự án được nhiều người kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho những cư dân bị ảnh hưởng tiêu cực, dù trực tiếp hay gián tiếp, do biến đổi khí hậu, lẫn sự phát triển của con sông quan trọng nhất Đông Nam Á. Mục tiêu chính trong thử nghiệm này là thiết lập một cơ chế tài trợ, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương vào việc bảo tồn đa dạng sinh học vùng đất ngập nước và lưu vực sông, cũng như các hoạt động sinh kế liên quan.

Cũng trong sự kiện này, Canada đã tham gia với tư cách là Đối tác Phát triển mới nhất để giải quyết các vấn đề rộng lớn của sông Mê Kông, đồng thời tuyên bố sẽ đóng góp 2 triệu USD vào quỹ tài trợ chung của MRC.

Ủy hội sông Mê Kông (Mekong River Commission - MRC) là một cơ quan liên chính phủ được thành lập vào năm 1995 nhằm thúc đẩy, phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia và sự an sinh của cộng đồng trong khu vực bằng cách triển khai thực hiện những hoạt động và chương trình chiến lược, cung cấp thông tin khoa học và cố vấn chính sách.