Ngày 18/8 tại TPHCM, Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN tổ chức hội thảo “Đánh giá hiệu quả thực hiện các phương pháp xét chọn kiểm tra các nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN Quốc gia đối với doanh nghiệp”.

Tại đây, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam cho biết, các nhiệm vụ thuộc chương trình KH&CN quốc gia do Văn phòng các Chương trình KH&CN Quốc gia (Bộ KH&CN) quản lý, gồm một số chương trình như Phát triển sản phẩm quốc gia, Phát triển công nghệ cao, Đổi mới công nghệ, Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, nhiệm vụ KH&CN theo nghị định thư, Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng,…

Trong giai đoạn 2016-2020 đã có 39 chương trình KH&CN quốc gia được triển khai với tổng kinh phí trên 19 nghìn tỉ đồng, chiếm 41,67% tổng số kinh phí sự nghiệp KH&CN. Các Chương trình đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trung bình hằng năm của các doanh nghiệp. Đồng thời, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Điển hình như tại khu vực phía Nam, Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) đã chủ trì dự án sản xuất dầu dừa VCO đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, EU và Nhật Bản. Nhờ ưu điểm của công nghệ, dầu dừa đạt độ tinh khiết và không bị biến chất, nên giá bán gấp 4 lần loại đang sản xuất theo công nghệ hiện nay.

Hay như Công ty Cổ phần muối Bạc Liêu đã tiếp nhận các quy trình công nghệ hiện đại về chế biến muối tinh và muối tinh I-ốt chất lượng cao, giúp Công ty giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Ngoài ra, nhiều dự án khác thuộc Chương trình KH&CN Quốc gia như Tinh luyện phụ phẩm mỡ cá tra thành dầu ăn, mỗi năm tăng thêm giá trị của cá tra lên khoảng 4,67%; dự án sản xuất phân vô cơ đa thành phần bằng công nghệ sử dụng khí nóng tạo hạt, giúp tăng tổng hàm lượng NPK lớn hơn 40%, phù hợp với kiều kiện thổ nhưỡng, cây trồng của đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: KA

Ông Cường cho biết thêm, giai đoạn 2021-2030, 17 Chương trình KH&CN Quốc gia đã được Bộ KH&CN phê duyệt. Bộ KH&CN cũng đã tiến hành cơ cấu lại các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 với nhiều điểm mới như bám sát Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm 2021-2030 và quan điểm chỉ đạo về lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chú trọng thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp. Các chương trình KH&CN quốc gia có sự kết nối, liên thông, có tính ứng dụng cao đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội. Các vấn đề mang tính cấp bách có thể được duyệt ngay, thay vì chờ theo từng đợt như trước đây. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành các thông tư liên quan đến tài chính, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà khoa học.

PGS.TS Phạm Ngọc Tuấn, Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng, hội đồng xét duyệt, đánh giá, hay nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN, cần có đại diện của doanh nghiệp trong lĩnh vực đó tham gia. Trong thuyết minh nhiệm vụ KH&CN, nhóm nghiên cứu cần làm rõ sản phẩm góp phần tăng năng suất, tạo ra giá trị cạnh tranh như thế nào. Theo GS Tuấn, các ý tưởng phát triển sản phẩm, phát triển công nghệ cao, đổi mới công nghệ mà không thương mại hóa được là vô ích. Vì vậy, nếu một nhiệm vụ KH&CN không thuyết minh được khả năng thương mại hóa, thì không nên xét duyệt ngay từ đầu.

D
Đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến cho Hội thảo. Ảnh: KA

GS Tuấn đề xuất thêm, nhà nước cần mạnh dạn thí điểm trong 5 - 10 năm tới, cơ quan chủ trì hoặc chủ nhiệm đề tài được hưởng hoàn toàn kết quả nghiên cứu, quyết định cho sản phẩm của mình. Điều này sẽ tạo điều kiện khi các nghiên cứu được thương mại hóa, mang lại giá trị kinh tế. Khi sản phẩm ra thị trường, nhà nước có thể thu hồi ngân sách thông qua quá trình đóng các loại thuế.

TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn thì đề xuất, cần tận dụng nguồn lực tư nhân trong nghiên cứu và phát triển KH&CN. Theo TS Hải, nếu một dự án KH&CN của doanh nghiệp tư nhân đã huy động được 50% kinh phí thì nhà nước có cơ chế để hỗ trợ kinh phí còn lại để doanh nghiệp thực hiện được đề tài. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cũng như giao quyền nhiều hơn cho các chủ nhiệm nhiệm vụ KH&CN.