Navigos vừa tiến hành khảo sát với hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam về việc áp dụng công nghệ quản trị nhân sự (HRTech).


Ứng dụng công nghệ để quản trị nhân sự đang là xu hướng. Nguồn: Internet.
Ứng dụng công nghệ để quản trị nhân sự đang là xu hướng. Nguồn: Internet.

Theo đó, 68% số doanh nghiệp được hỏi thấy HRTech là rất cần thiết; 32% còn lại thấy cần thiết.

Tuy đánh giá cao vai trò của công nghệ nhưng có tới 58% số doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa áp dụng HRTech.

Trong số 42% doanh nghiệp đã áp dụng HRTech thì có 38% là công ty cổ phần, 34% là công ty TNHH một thành viên, 19% là doanh nghiệp tư nhân, 6% là công ty liên quan và 3% là doanh nghiệp nhà nước. Có 15% số doanh nghiệp sử dụng phần mềm nội địa hoặc tự viết phần mềm bởi đội ngũ IT của mình; 85% sử dụng phần mềm nước ngoài. Bên cạnh đó, 60% doanh nghiệp cho biết có sử dụng công ty tư vấn trước khi áp dụng HRTech.

Thay vì chi phí phần mềm đắt đỏ như cơ sở hạ tầng máy tính và bảo trì, doanh nghiệp Việt đang lựa chọn việc chi trả hằng tháng hoặc hằng năm cho dịch vụ phần mềm đám mây (Cloud software).

Đặc biệt, 36% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẵn sàng đầu tư ngân sách lớn vào HRTech, cụ thể: 36% đồng ý đầu tư ngân sách lớn đến 500 triệu đồng vào việc phát triển công nghệ, 27% đồng ý mức ngân sách từ 50 - 200 triệu đồng, 23% chỉ đồng ý ngân sách dưới 50 triệu đồng.

Về các lĩnh vực áp dụng, 36% số doanh nghiệp tham gia khảo sát muốn sử dụng công nghệ quản trị nhân sự cho toàn bộ quy trình quản trị nhân sự. Số còn lại muốn áp dụng công nghệ vào một vài phần trong quy trình theo mức độ ưu tiên lần lượt là Hệ thống thông tin nhân sự (14%), Quản lý và tính toán ngày công (11%), Phê duyệt nghỉ phép và công tác (10%), Quản lý thời gian làm việc (8%), Trang thông tin nhân sự của nhân viên (7%). Lý do là chưa có ngân sách cho việc quản lý toàn phần, lo sợ lộ thông tin do chưa đủ tin tưởng về bảo mật của công ty cung cấp phần mềm, do cần thời gian và công sức để làm quen công nghệ từng phần…

Báo cáo của Navigos cho rằng xu hướng làm việc từ xa sẽ tiếp tục ngay cả khi đại dịch đã kết thúc, điều này có nghĩa là phải áp dụng HRTechđể người lao động và người sử dụng lao động có thể quản trị và truy cập từ mọi nơi, đảm bảo thông suốt trong việc thiết lập các KPI và đánh giá nhân viên. Cũng theo báo cáo, các nhà tuyển dụng ở Việt Nam hiện nay đã bắt đầu đánh giá cao tầm quan trọng của HRTech bởi họ nhận thấy, nếu không sớm ứng dụng công nghệ vào quản trị thì doanh nghiệp sẽ tụt hậu so với đối thủ.