Vào dịp năm hết Tết đến, hẳn nhiều người sẽ vui mừng vì được tụ tập ăn uống với người thân và bạn bè. Nhưng với một số người khác, viễn cảnh phải ra ngoài giao tiếp có thể gây cảm giác sợ hãi, lo lắng và khổ sở. Và chứng sợ xã hội này có thể do vi khuẩn đường ruột góp phần gây ra.

Trước đây, các nhà khoa học đã phát hiện hệ vi khuẩn đường ruột - tập hợp các vi khuẩn và những vi sinh vật khác sống trong hệ tiêu hóa - có sự khác biệt giữa người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội (social Anxiety Disorder - SAD), còn được gọi là chứng sợ xã hội, so với những người khỏe mạnh. Và ngày càng có nhiều nghiên cứu hé lộ vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng tới não bộ và ngược lại.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Cork (Ireland) và Bệnh viện Đại học Frankfurt (Đức) đã phát hiện khi chuyển vi sinh khuẩn đường ruột của người bị SAD sang chuột, thì những con vật này sẽ ngày càng có phản ứng sợ hãi xã hội.

Kết quả này dựa trên nghiên cứu trước đây, cho thấy kết quả tương tự với nhiều tình trạng, từ trầm cảm cho tới hội chứng ruột kích thích.

Theo Giáo sư John Cryan, đồng tác giả nghiên cứu, mặc dù chúng ta biết rằng di truyền, môi trường và các yếu tố khác cũng có thể góp phần gây ra các rối loạn, bao gồm SAD, nhưng công trình mới nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ vi khuẩn đường ruột ở người.

Một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết việc tăng cường ăn thực phẩm lên men có thể mang lại lợi ích cho những người mắc chứng SAD. Ảnh: Xinhua
Một tác giả của nghiên cứu cho biết tăng cường ăn thực phẩm lên men có thể mang lại lợi ích cho những người mắc chứng SAD. Ảnh: Xinhua

Được đăng trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, các tác giả đã báo cáo cách họ lấy mẫu phân từ sáu người khỏe mạnh và sáu người bị SAD rồi đem phân tích ADN. Kết quả thu được khẳng định vi khuẩn đường ruột có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm.

Nhóm đã chuyển mỗi mẫu vào sáu con chuột thí nghiệm, tạo ra tổng cộng 72 mẫu, tất cả đều đã được cho dùng kháng sinh trước đó để tiêu diệt vi khuẩn đường ruột tự nhiên.

Tiếp theo, họ cho các con chuột trải qua một loạt thử nghiệm để tìm hiểu những khía cạnh khác nhau trong hành vi của chúng. Để điều tra chứng sợ xã hội, nhóm nghiên cứu đã giật điện con chuột khi chúng tiếp cận một con chuột mới, rồi quan sát những con vật này hành xử thế nào với các con chuột mới khi không còn bị giật nữa.

Kết quả, chuột nhận vi khuẩn đường ruột từ người bị SAD có mức độ ba loại vi khuẩn khác với những con nhận vi khuẩn ruột từ người khỏe mạnh.

Nhóm cho biết thêm, hành vi của chuột không khác biệt trong phần lớn thử nghiệm điều tra về hành vi xã hội và chứng lo âu, nhưng chúng đã cư xử khác đi sau thử nghiệm giật điện. Những con chuột nhận vi khuẩn đường ruột từ người khỏe mạnh nhanh chóng lấy lại tính tò mò với những con chuột lạ sau nhiều ngày, còn những con chuột nhận vi khuẩn từ người bị SAD tiếp tục cảm thấy lo sợ khi tiếp cận những con chuột mới.

Phân tích sâu hơn cũng cho thấy sự khác biệt giữa các con chuột về nồng độ của một số loại hormone nhất định và các khía cạnh của hệ thống miễn dịch.

Các kết quả này đưa tới kết luận rằng vi khuẩn đường ruột có thể đóng vai trò nhân quả trong việc tăng phản ứng sợ hãi trong rối loạn SAD. Đồng thời, nghiên cứu cũng mở ra những hướng mới để phát triển liệu pháp cho những người bị SAD, như một số chế độ ăn nhằm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột.

Nguồn: