Chỉ số BMI bỏ qua nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ của một người như tuổi tác, giới tính và chủng tộc. Đó là lý do vì sao có một phong trào kêu gọi nhìn vượt ra ngoài BMI khi chẩn đoán và điều trị béo phì.

Là một bác sĩ về bệnh béo phì tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Trường Y Harvard (Boston, Mỹ), Fatima Cody Stanford điều trị cho các bệnh nhân gặp vấn đề sức khỏe do thừa cân. Cô đã điều trị thành công cho nhiều người. Chẳng hạn, một bệnh nhân nữ đã có kết quả "đáng kinh ngạc" về huyết áp, lượng cholesterol và lượng đường trong máu sau khi được Stanford điều trị trong khoảng 10 năm. Thế nhưng bệnh nhân này nói với Stanford rằng vẫn muốn được điều trị thêm, vì chỉ số khối cơ thể vẫn phân loại cô là béo phì. “Cô ấy muốn giảm nhiều cân hơn”, Stanford cho biết.

BMI, hay kết quả của phép tính lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao, đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ như một tiêu chuẩn quốc tế để xác định cân nặng lành mạnh. Chỉ số này thường được coi là đại diện cho lượng mỡ trong cơ thể, cũng như đại diện cho nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa và tử vong.

Nhưng thực tế, BMI không đo lượng mỡ trong cơ thể và nó cũng bỏ qua các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ của một người, như tuổi tác, giới tính và chủng tộc. Các nghiên cứu đến nay cho thấy không phải ai có chỉ số BMI cao đều có sức khỏe kém hoặc có nguy cơ tử vong cao.

Đó là lý do tại sao có một phong trào trong giới nghiên cứu sức khoẻ kêu gọi nhìn vượt ra ngoài BMI khi chẩn đoán và điều trị béo phì, căn bệnh mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là bệnh mãn tính. “Khi chúng ta chỉ nhìn vào chiều cao và cân nặng, chúng ta không biết gì về tình trạng sức khỏe của một cá nhân," Stanford nói.

Các cầu thủ trong 'giải bóng đá thừa cân' khởi động trước trận đấu ở Đức. Để tham gia, các thành viên phải có chỉ số BMI ít nhất là 31.

'Người bình thường' theo định nghĩa của BMI

Nguồn gốc của BMI ít liên quan đến sức khỏe. Khoảng 200 năm trước, nhà thiên văn học và toán học người Bỉ Adolphe Quetelet bị ám ảnh bởi việc mô tả đặc điểm của “một người bình thường”. Ông đã ghi lại số đo cơ thể con người, chủ yếu ở đàn ông Tây Âu, và ông phát hiện cân nặng gần như tương quan với bình phương chiều cao. Phép chia hai con số để mô tả cân nặng so với chiều cao được gọi là chỉ số Quetelet. Công trình của ông về những gì được coi là “bình thường” có vai trò trong nguồn gốc của thuyết ưu sinh.

Năm 1972, nhà sinh lý học người Mỹ Ancel Keys đã nghiên cứu một số chỉ số liên quan đến chiều cao và cân nặng, sau đó phát hiện ra rằng chỉ số Quetelet là yếu tố dự báo chính xác nhất về độ dày của mỡ trong cơ thể. Ông đổi tên chỉ số này thành chỉ số khối cơ thể và đề xuất đây là chỉ số thể hiện kích thước cơ thể khỏe mạnh chính xác hơn so với các bảng đo chiều cao và cân nặng thường được sử dụng vào thời điểm đó.

BMI có tương quan với nguy cơ tử vong ở cấp độ dân số. Cụ thể, nguy cơ tử vong tăng cao ở khoảng thấp nhất của phổ BMI - phổ của những người được coi là thiếu cân. Nguy cơ tử vong giảm về mức trung bình và tăng dần trở lại ở khoảng cao của phổ, thể hiện tình trạng thừa cân và béo phì. (Các mốc ngăn cách thiếu cân, cân đối, thừa cân và béo phì trong phổ điểm BMI được WHO đặt ra vào năm 1993, trong đó nhóm có BMI vào khoảng 18,5 - 24,99 được coi là “khoẻ mạnh”, dưới khoảng này là nhóm thiếu cân và trên khoảng này là nhóm béo phì.)

Nhưng khi nhìn vào một cá nhân, những ranh giới rõ ràng trong phổ BMI sẽ sụp đổ. Susan Yanovski, đồng giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Béo phì tại Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia Mỹ, cho biết: “BMI là một thước đo thô sơ trong việc xác định các nguy cơ về sức khỏe.”

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 năm nay cho thấy nguy cơ tử vong đối với người trưởng thành thuộc nhóm thừa cân tương tự như nguy cơ tử vong ở những người có cân nặng ‘khỏe mạnh’, kết quả này nhất quán với các phân tích trước đó. Một nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ người có sức khoẻ tim mạch chuyển hoá tốt, bao gồm huyết áp và mức cholesterol, là như nhau giữa các nhóm BMI béo phì và BMI khoẻ mạnh,

Thế nhưng sự đơn giản của BMI có lẽ là điều khiến nó chiếm ưu thế. “BMI không tốn bất cứ chi phí nào, đo lường rẻ và nhanh chóng”, Sarah Nutter, nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu về sự kỳ thị cân nặng tại Đại học Victoria (Canada), nói. Nhưng nỗi ám ảnh về BMI, theo cô, “khiến chúng ta không thể nhận ra rằng cân nặng không phải là thước đo tốt cho sức khỏe”.

Một người đàn ông được theo dõi nhịp tim, huyết áp và nhịp thở trong bài kiểm tra thể lực ở Trung Java, Indonesia. Cùng với BMI, những biện pháp này có thể giúp đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.

Một thước đo không hoàn hảo

Không nghi ngờ gì về việc lượng lớn chất béo có thể gây hại cho các cơ quan nội tạng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch chuyển hóavà tàn phá sức khỏe tinh thần, thể chất và sức khỏe cơ xương khớp. Tuy nhiên vấn đề nằm ở việc sử dụng BMI làm đại diện cho lượng mỡ trong cơ thể.

Hai người trưởng thành có chỉ số BMI giống nhau có thể mang lượng chất béo khác nhau. Với cùng một mức BMI, người lớn tuổi có xu hướng có nhiều mỡ hơn và ít cơ bắp hơn người trẻ tuổi. Mối quan hệ giữa BMI, khối lượng mỡ và sức khỏe cũng khác nhau giữa nam giới và nữ giới. Ví dụ, với cùng BMI, phụ nữ có xu hướng có nhiều mỡ trong cơ thể hơn nam giới. Mặc dù vậy, “sự phân bổ mỡ dường như thực sự lành mạnh hơn ở phụ nữ”, theo Francisco Lopez-Jimenez, bác sĩ tim mạch và nhà nghiên cứu bệnh béo phì tại Mayo Clinic (Minnesota, Mỹ). Mỡ của nữ giới có xu hướng tập trung ở mông, hông và đùi, trong khi nam giới thường tích tụ mỡ bụng, điều này dẫn đến tình trạng sức khỏe kém hơn.

Biểu đồ BMI của người trưởng thành không phản ánh khác biệt do giới tính. Và ranh giới giữa các nhóm BMI - giống nhau ở hầu hết các quốc gia sử dụng chỉ số này để chẩn đoán béo phì - là "cái gì đó vừa dựa trên khoa học vừa tùy tiện", Lopez-Jimenez nói.

Mỡ thừa nguy hiểm nhất khi nó bao quanh các cơ quan. Chất béo nội tạng này hoạt động trao đổi chất mạnh hơn chất béo nằm dưới da và thừa mỡ nội tạng liên quan đến tình trạng kháng insulin, bệnh tim và các vấn đề trao đổi chất khác. Lopez-Jimenez cho biết mỡ nội tạng có thể là vấn đề ngay cả khi một người có BMI ở trong khoảng "khỏe mạnh". “Việc phụ thuộc vào BMI đang khiến chúng ta không nhìn thấy đúng thực tế tình trạng béo phì ở những người có mức cân nặng bình thường.”

Và vì BMI được phát triển bằng cách sử dụng số đo của người da trắng nên người da màu “không hoàn toàn phù hợp với BMI”, theo Stanford. Dữ liệu cho thấy thành phần cơ thể - mỡ, cơ và xương - và vị trí của mỡ khác nhau giữa các chủng tộc và dân tộc.

Ví dụ, cùng có BMI thấp, người châu Á vẫn có xu hướng có nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim cao hơn so với người da trắng, có thể do sự khác biệt về tỷ lệ phần trăm mỡ và phân bố mỡ trong cơ thể. WHO khuyến nghị người dân châu Á nên sử dụng mức giới hạn dưới của BMI làm mốc ngăn cách giữa khoẻ mạnh và thừa cân.

Những thiếu sót này là lý do tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ AMA đã thông qua chính sách hạn chế việc sử dụng BMI trong lâm sàng, gọi chỉ số này là “một thước đo không hoàn hảo”, "loại trừ một số nhóm chủng tộc” và đã gây ra tổn hại. AMA đề xuất kết hợp các số liệu khác, chẳng hạn như chu vi vòng eo hoặc thành phần cơ thể, với BMI.

Các chuyên gia khuyên nên sử dụng BMI như một công cụ hỗ trợ sàng lọc thay vì một công cụ chẩn đoán. Các bác sĩ lâm sàng có thể tính đến cholesterol, lượng đường trong máu và thậm chí cả tiền sử gia đình và di truyền, những yếu tố đóng vai trò lớn trong bệnh béo phì và các tình trạng liên quan.

Nhưng Stanford và nhiều chuyên gia khác lo ngại rằng các chuyên gia y tế không có thời gian cho các bước chẩn đoán bổ sung. Stanford cho biết các chuyên gia thường chỉ có khoảng 15 phút để tìm hiểu mọi thứ về bệnh nhân trong mỗi lần thăm khám. Tại Mỹ, một người có thể được kê đơn thuốc semaglutide để giảm cân nếu chỉ số BMI của họ là 30. Với chỉ số BMI từ 25 đến 30, thuộc nhóm thừa cân, bệnh nhân chỉ cần có thêm một tình trạng liên quan đến cân nặng, chẳng hạn như huyết áp cao, để được kê đơn thuốc giảm cân. “Nếu chuyên gia chỉ có 15 phút cho một lần khám, họ sẽ đi theo chỉ số BMI thay vì thực sự dành thời gian để xem bệnh nhân có cần dùng thuốc hay không", Stanford nói.

Theo kinh nghiệm của Lopez-Jimenez, vấn đề trở nên phức tạp hơn khi bệnh nhân yêu cầu dùng thuốc - thường vì lý do thẩm mỹ hơn là y tế.

Vượt ra ngoài BMI

Một số nỗ lực nhằm xác định béo phì ngoài chỉ số BMI đã xuất hiện trong những năm qua.

Stanford là thành viên trong ủy ban gồm khoảng 60 chuyên gia về béo phì từ khắp nơi trên thế giới, được tập hợp bởi tạp chí Lancet Diabetes & Endocrinology và Viện Tiểu đường, Nội tiết và Béo phì (London, Anh). Nhóm đang đưa ra các tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì bằng cách kiểm tra hệ thống cơ quan nội tạng chính để hiểu cân nặng ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, Stanford cho biết. Báo cáo đầy đủ sẽ được công bố vào năm tới.

Mô hình thay thế BMI phổ biến nhất hiện nay đến từ một phòng khám béo phì tại Bệnh viện Royal Alexandra (Canada). Arya Sharma, khi còn là giám đốc y tế của phòng khám, đã cùng các đồng nghiệp tạo ra một hệ thống gồm 5 bước, tính đến sức khỏe thể chất, tinh thần và chức năng của bệnh nhân bên cạnh BMI, được gọi là Hệ thống phân giai đoạn béo phì Edmonton (EOSS). Công trình của ông đã được xuất bản năm 2009. Nếu bệnh nhân mắc một số bệnh liên quan đến cân nặng, chẳng hạn như khó di chuyển, bệnh tim và tâm trạng lo lắng, sẽ được coi là khẩn cấp hơn so với người có cùng chỉ số BMI nhưng có ít vấn đề sức khỏe liên quan hơn.

EOSS đã được đưa vào hướng dẫn lâm sàng năm 2020 của Canada về bệnh béo phì ở người lớn và vào cuối năm ngoái, các phiên bản tương tự đã được giới thiệu ở Chile và Ireland.

Tuy nhiên, những nỗ lực để nhìn xa hơn chỉ số BMI mới chỉ bắt đầu. Stanford nói: “Chúng tôi bắt đầu nhận thấy sự chuyển dịch ra khỏi BMI trong các hướng dẫn y tế. Nhưng việc đưa vào thực hành lâm sàng sẽ có những trở ngại lớn phải vượt qua".

Nguồn: