Những người có hoàn cảnh sống kém may mắn có nguy cơ phát triển tình trạng bệnh này cao hơn khi chưa tới 65 tuổi.

Các nhà khoa học từ trường Đại học Khoa học – Kỹ thuật Hoa Trung (Trung Quốc) đã đăng nghiên cứu mới Associations of socioeconomic status and healthy lifestyle with incident early-onset and late-onset dementia: a prospective cohort study (Mối liên quan giữa tình trạng kinh tế – xã hội và lối sống lành mạnh với chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm và muộn: nghiên cứu thuần tập tương lai) trên Tạp chí Lancet Healthy Longevity.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu của Ngân hàng Sinh học Anh (UK BioBank), với sự tham gia của hơn 440.000 người trong độ tuổi từ 37 tới 73, trong giai đoạn 2007 tới 2010, và sau này tiếp tục thực hiện vào năm 2022.

Đối với phân tích chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm, nghiên cứu quan sát những người ở độ tuổi dưới 60, không thể hiện các triệu chứng sa sút trí tuệ phổ biến, còn phân tích chứng sa sút trí tuệ khởi phát muộn sẽ nhìn vào những người từ 65 tuổi trở lên ở cuối thời kì nghiên cứu.

Nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về thu nhập gia đình, bằng cấp giáo dục cao nhất và tình trạng công việc của những người này. Mục đích là để xác định tình trạng kinh tế - xã hội của họ. Dữ liệu cũng bao gồm phần mở rộng về lối sống lành mạnh của người tham gia, thông qua điểm số đánh giá về tình trạng hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, hoạt động thể chất và chế độ ăn.

Kết quả cho thấy những ai ở tình trạng kinh tế - xã hội thấp hơn thì có nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm cao gấp ba lần so với những người cùng tuổi có hoàn cảnh kinh tế - xã hội cao hơn. Trong những kết quả này, chưa tới 12% trường hợp có thể giải thích bằng các yếu tố lối sống, cho thấy những người tới từ hoàn cảnh kinh tế - xã hội kém có lối sống lành mạnh hơn thì cũng không nhất định sẽ giảm thiểu nguy cơ này.

Các nghiên cứu hiện nay cho thấy trên toàn thế giới có khoảng 3,9 triệu người trong độ tuổi giữa 30 và 64 mắc chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm, với 370.000 người được chẩn đoán mới mỗi năm. Sa sút trí tuệ khởi phát sớm là khi một người trải qua những triệu chứng sa sút trí tuệ khi chưa tới 65 tuổi.

Những người có điều kiện kinh tế - xã hội kém có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm cao. Ảnh: Thu Hiền
Những người có điều kiện kinh tế - xã hội kém có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm cao. Ảnh: Thu Hiền

Nghiên cứu còn phát hiện những người có hoàn cảnh kinh tế - xã hội kém với lối sống không lành mạnh thì có nguy cơ phát triển bệnh sớm cao gấp 440% so với những người có bối cảnh tốt hơn với lối sống lành mạnh. Nó cũng phát hiện tình trạng kinh tế - xã hội cùng các yếu tố lối sống có sự liên quan mạnh mẽ hơn với chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm so với chứng bệnh này khởi phát muộn.

Các tác giả cho biết nghiên cứu của họ là một trong những nghiên cứu đầu tiên xem xét mối liên hệ giữa tình trạng kinh tế - xã hội, các yếu tố lối sống lạnh mạnh và chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm.

Tuy nghiên cứu này cho thấy mối liên hệ giữa chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm với tình trạng kinh tế - xã hội, nó cũng có hạn chế do tập hợp mẫu không có sự đa dạng sắc tộc, với hơn 85% người tham gia có gốc châu Âu.

Nhà nghiên cứu y tế cộng đồng Tommaso Filippini, không tham gia vào nghiên cứu, cho biết phát hiện này khẳng định “tầm quan trọng của việc thúc đẩy các lối sống lành mạnh ngay từ khi còn trẻ, cùng với vai trò độc lập của các yếu tố bao gồm hoàn cảnh kinh tế - xã hội ở bệnh sa sút trí tuệ khởi phát sớm và tỷ lệ mắc chứng bệnh này nói chung”.

Ông nói thêm: “Phát hiện này cho thấy những nỗ lực giảm thiểu sự chênh lệch xã hội chắc chắn sẽ làm giảm tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ… Nghiên cứu nhấn mạnh rằng cả sự chênh lệch xã hội và lối sống không lành mạnh đều có thể có tác động bất lợi đến nguy cơ sa sút trí tuệ nói chung.”

Nguồn: